Bảo tồn chuyển chỗ cây di sản ở Yên Tử

Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã đưa ra giải pháp bảo tồn cây di sản tại Yên Tử (Quảng Ninh) bằng việc để người dân tham gia vào quá trình bảo tồn.

Bảo tồn chuyển chỗ cây di sản ở Yên Tử
Bộ rễ của cây Xích Tùng tại Yên Tử, Quảng Ninh bị nhô lên khỏi mặt đất ảnh hưởng đến sinh trưởng cũng như sự trường tồn của cây. Ảnh: BQL Di tích RQG Yên Tử

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Ngọc Hải – PCT Hội đồng Cây di sản Việt Nam – Cho biết: “Để bảo tồn các cây di sản khoảng 700 năm tuổi ở Yên Tử cần nhân giống để tạo cây con trồng những thế hệ kế cận cho những cây bị mục, mối do quá già cỗi.

Làm dịch vụ cung cấp cây giống đáp ứng nhu cầu cho du khách tham quan mua về trồng. Đó là hình thức bảo tồn chuyển chỗ có sự tham gia của người dân nhanh và hiệu quả”.

Đường Tùng Yên Tử (Quảng Ninh)
Hiện có 102 cây Xích Tùng Yên Tử (Quảng Ninh) được công nhận là cây di sản. Ảnh: BQL Di tích RQG Yên Tử

Rừng Quốc gia (RQG) Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) được thành lập ngày 26.9.2011 theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg với tổng diện tích tự nhiên 2.783 ha.

Rừng quốc gia Yên Tử gắn với Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử – nơi Đức vua Trần Nhân Tông tu hành và thành lập “Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”.

Hệ thực vật ở RQG Yên Tử đa dạng và phong phú, đã phát hiện được 987 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 588 chi, 174 họ thực vật của 5 ngành thực vật khác nhau. Đây là nguồn tài nguyên không chỉ phong phú về thành phần, số loài mà còn có giá trị nguồn gen, bảo vệ môi trường và cảnh quan.

Theo báo cáo từ Ban quản lý Di tích và RQG Yên Tử, năm 2016, 144 cây lớn thuộc RQG Yên Tử (102 cây Xích Tùng, 21 cây Mai vàng, 10 cây Thông nhựa, 9 cây Đại) được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đây cũng là những Cây di sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Ấn tượng và dễ bắt gặp nhất là những cây Đại 700 năm tuổi, ở vị trí ngay trước chùa Hoa Viên và khu vực vườn tháp Huệ Quang. Cây có hình dáng cổ kính, gốc to có nhiều mấu lồi, cành mập và tán xòe rộng, dáng rồng bay, các cây vẫn sinh trưởng mạnh mẽ, hàng năm ra hoa sai và tràn đầy sức sống.

Quần thể Mai vàng Yên Tử chủ yếu ở khu vực chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu và chùa Bảo Sái. Với nhiều cây cao tới 15m, đường kính 60 – 70cm, thân cổ thụ gân guốc, sức sống mạnh mẽ, nhiều cây mọc cheo leo trên các vách đá.

Cả rừng Mai Yên Tử ra hoa đồng loạt vào mùa xuân tạo cảnh quan độc đáo với sắc vàng rực rỡ.

Các cây Xích Tùng khoảng 700 năm tuổi hiện vẫn sinh trưởng và ra nón quả và hạt bình thường nhưng chưa phát hiện được cây con tái sinh ở tầng dưới tán cây mẹ. Một vài cây có hiện tượng rỗng ruột, khô cành. Đã có một số cây chết vì bị sâu bệnh.

Hiện công tác trồng bổ sung cây Xích Tùng dọc các tuyến đường hành hương lên non thiêng Yên Tử đang được triển khai, cây phát triển tốt.

Ảnh: BQL Di tích RQG Yên Tử
Cây Đại khoảng 700 năm tuổi tại Yên Tử. Ảnh: BQL Di tích RQG Yên Tử

Các nguồn cây di sản này không đơn thuần là cây cổ thụ, mà là những cây được coi là nhân chứng lịch sử, nhân chứng văn hóa, được cộng đồng công nhận và tôn vinh. Đồng thời là những điểm nhấn đã, đang và sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về lịch sử, du lịch…

PGS.TS Trần Ngọc Hải – cho biết thêm: “Với loài Xích Tùng do tuổi đời cây cao, do tác động của các nhân tố khí hậu… đã làm cho bộ rễ bị nhô lên khỏi mặt đất và khi du khách đi qua sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng cũng như sự trường tồn của cây. Tôi nghĩ có thể xây dựng đường tránh để giảm tác động của con người.

Thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển và các tác nhân gây hại đến cây để có biện pháp chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ kịp thời, phù hợp với sinh thái của từng loài. Tuyên truyền, hướng dẫn du lịch thân thiện và luôn có ý thức bảo vệ cây di sản, toàn bộ hệ thực vật rừng hướng tới du lịch xanh, du lịch bền vững”.

Nguồn: Laodong.vn