Nhiều khu vực tại Hà Nội cứ mưa là ngập. Tình trạng này tái diễn nhiều năm, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Cứ mưa là thành “ốc đảo”
Đứng trước con ngõ nhỏ ngập nước, chị Hoàng Thị Hương (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) ngao ngán rút điện thoại gọi chồng nhờ mang giúp đôi ủng ra đầu ngõ. Trận mưa lớn hôm 23.7, khiến con ngõ nhà chị ngập nặng, có đoạn nước dâng cao 50-65cm. “Đây không phải lần đầu tiên ngõ nhà tôi ngập sâu đến vậy” – chị Hương nói.
Tối đó, chị Hương gửi xe máy tại nhà người quen ở đầu ngõ, sau đó mang ủng, lội nước để vào nhà. Sáng hôm sau, nước vẫn chưa rút, chị lại lội nước ra đầu ngõ lấy xe để đi chợ mua đồ ăn cho cả gia đình. Hôm đó, con chị phải xin nghỉ học, còn chồng thì xin nghỉ làm để trông con và dọn dẹp lại khu vực bếp đang bị ngập.
Trong khi đó, hàng xóm nhà chị Hương – bà Phạm Thị Ngần cả đêm đó mất ngủ vì nước ngập vào nhà. “3h sáng, tôi thấy ướt ở lưng thì mới bật tỉnh. Khi đó, nước đã ngập cả căn nhà. Đêm đó, 2 vợ chồng và 3 đứa con thay nhau tát nước” – bà Ngần kể lại.
Bà Ngần cho biết, có kinh nghiệm từ những trận mưa trước, nhà bà luôn “đắp đê” trước cửa nhà để chống ngập mỗi khi trời mưa. Song trận mưa lớn đêm 23, rạng sáng 24.7, khiến một số bao cát bị bục, nước cũng thấm qua những vết nứt trên tường nhà, dẫn đến ngập cả căn nhà.
Trận mưa ngày 23-24.7 cũng khiến đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân tại An Khánh, Hoài Đức. Anh Trần Văn Nguyên – cư dân tại Chung cư Gemek Tower ví nơi mình ở như một “ốc đảo” mỗi khi có trận mưa lớn.
Anh Nguyên cho biết, chiều 23.7, anh mất 3 tiếng để di chuyển từ công ty ở Cầu Giấy về nhà. Khi về đến gần tòa chung cư thì bị ngập nặng, anh đành đỗ xe ở ven đường rồi lội nước gần 1km về nhà. Sáng hôm sau, anh dậy sớm để lội nước đi làm, trong balo không quên để thêm 1 bộ quần áo, phòng trường hợp bị ướt.
Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố tồn tại 30 “điểm đen” cứ mưa là ngập, dẫn tới ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. Theo đó, các điểm ngập úng là phố Nguyễn Khuyến (khu vực trước cổng trường Lý Thường Kiệt), phố Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), đại lộ Thăng Long (ngã ba đường Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6 km9+656, nút giao An Khánh)…
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, những điểm ngập úng thường có cốt nền trũng, xa nguồn xả nên chỉ chịu được lượng mưa có cường độ vừa phải.
Chính sách đặc thù giải quyết vấn đề về ngập úng
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam – cho biết, lý do đầu tiên khiến Thủ đô “cứ mưa là ngập” là vì hệ thống cống và mương thoát nước. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong công tác phòng, chống ngập úng, phải có từ 3-5% mặt đất làm hồ điều hòa nước, nhưng Hà Nội hiện chỉ có khoảng 2% (tương đương 6.000ha hồ). Hà Nội hiện nay có nhiều hệ thống mương, nhưng bị lấp nhiều và chưa khai thác được hết tiềm năng của hệ thống mương này.
“Hà Nội chia ra 3 vùng để thoát nước, vùng Bắc Hà Nội, vùng Tả Sông Đáy và vùng Hữu Sông Đáy. Nhưng hiện nay, các trạm bơm để hút nước cục bộ, trạm trung gian để chuyển ra trạm cuối nguồn thì chưa làm được. Các trạm cuối nguồn cũng chưa đảm bảo có đủ công suất, đủ mạnh để hút hết nước. Đặc biệt, còn nhiều trạm bơm chưa được xây dựng” – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích.
Cũng theo TS Nghiêm, Hà Nội hiện chưa điều tiết được dòng chảy tại sông Hồng, sông Đáy, sông Lừ, sông Nhuệ… “Các hệ thống dòng sông phải đảm bảo lưu thông thoát nước, nhưng hiện nay chúng ta còn ách tắc ở các dòng sông” – TS Nghiêm cho hay.
Về giải pháp, theo TS Nghiêm, cần phải sớm điều chỉnh lại các dự án thoát nước đã làm. Bởi theo dự báo lượng mưa chỉ khoảng 310mm nhưng hiện nay đã lên đến 400mm. Thêm vào đó, cần duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cống, kênh, mương… và cần có chính sách để nghiên cứu tổng thể hệ thống sông chảy qua Hà Nội.
Hà Nội đang triển khai một số dự án, như: Hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, Trạm bơm tiêu Vĩnh Thanh (huyện Đông Anh); nâng cấp xây dựng Trạm bơm Phương Trạch (huyện Đông Anh); cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây tại Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Cùng với đó, hàng loạt dự án đang được chuẩn bị đầu tư như hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ, hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu Nhuệ, Trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh (quận Long Biên)…
Ngoài ra, 3 dự án thoát nước do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư gồm xây dựng tuyến mương Việt Hưng – Cầu Bây và hồ điều hòa Cự Khối; xây dựng Trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê tả Hồng; dự án xây dựng tuyến cống thoát nước Long Biên – Cự Khối đều đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư và đốc thúc tiến độ thực hiện.
Giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng kéo dài ở phía tây Hà Nội
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, nguyên nhân khiến các khu vực phía Tây Thủ đô xảy ra úng ngập kéo dài vì đây là vị trí các điểm trũng so với khu vực, độ nền thấp hơn khu vực xung quanh nên khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường dồn về nhanh gây ra úng ngập cục bộ.
Mặt khác, do hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy nhưng các trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch nên việc tiêu thoát nước ra nguồn xả còn hạn chế.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho biết, để khắc phục tình trạng này, trước mắt đơn vị sẽ phối hợp với Sở NNPTNT, Công ty Thủy lợi sông Nhuệ để thống nhất quy trình phối hợp trong công tác khống chế mực nước sông Nhuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thoát nước của lưu vực ra sông Nhuệ; Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư có công trình, dự án thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, thống nhất phương án dẫn dòng, phối hợp ứng trực, thanh thải, phá đập quây khi có mưa.
Theo PGS.TS Lê Văn Chín – Trưởng khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập úng kéo dài tại nhiều nơi ở Hà Nội hiện nay chủ yếu do tốc độ đô thị hoá nhanh làm tăng tỉ lệ bêtông hoá nền mặt đường, cống hoá kênh mương.
Ngoài ra, việc san lấp các hồ chứa tự nhiên để lấy đất xây dựng công trình trong khi không chú ý đến việc phát triển hệ thống thoát nước cũng là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng cứ mưa là ngập như hiện nay.
“Để giảm thiểu ngập úng, khi xây dựng đô thị phải tính toán để đảm bảo được việc thoát nước. Thời gian qua, do chúng ta chỉ chú ý đến việc xây dựng đô thị còn các hệ thống dẫn và thoát nước cho toàn bộ khu vực rộng lớn chưa được quan tâm nhiều nên mới dẫn đến hệ quả như vừa qua.
Để khắc phục việc ngập úng với các đô thị đã xây dựng rồi theo tôi cần 1 đơn vị tính toán toàn diện chi tiết cụ thể cho từng khu, sau đó đề xuất các giải pháp tổng thể cho toàn bộ Thành phố Hà Nội nói chung và cục bộ cho từng khu vực một nói riêng đề xuất giải pháp thoát nước cho từng công trình thế nào một cách căn cơ, bài bản nhất” – PGS.TS Lê Văn Chín nêu ý kiến.
Nguồn: Laodong.vn