Liên tiếp động đất ở Kon Tum, cách đề phòng nguy hiểm

Trong 4 ngày qua đã liên tiếp xảy ra động đất tại xã Kon Plông (Kon Tum). Các chuyên gia khuyến nghị chính quyền địa phương và người dân cần có kỹ năng ứng phó.

Liên tiếp động đất ở Kon Tum, cách đề phòng nguy hiểm
Kon Plông (Kon Tum), khu vực xảy ra 43 trận động đất trong 4 ngày qua. Ảnh: Lê Nguyễn

4 ngày xảy ra 63 trận động đất

Theo Viện Vật lý địa cầu, chỉ trong 4 ngày, tại huyện Kon Plong đã liên tiếp xảy ra 63 trận động đất. trong đó, ngày 28.7.2024 có 21 trận, ngày 29.7.2024 có 25 trận, ngày 30.7.2024 có 4 trận, ngày 31.7.2024 có 13 trận.

Các trận động đất tại xã Kon Plông có độ lớn nhỏ, dưới mức trung bình (ngoại trừ trận động đất có độ lớn 5.0 ngày 28.7.2024) và là động đất kích thích, do tác động của con người gây ra, nhưng cần chủ động ứng phó với những nguy cơ bất thường do thiên tai gây ra.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), thông thường sau các trận động đất lớn sẽ có những trận động đất có cường độ nhỏ hơn. Thực tế cho thấy, sau trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra ở ngày 28.7, đã liên tiếp xảy ra một loạt trận động đất nhỏ trong các ngày 29-31.7.2024. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy khu vực đang xảy ra động đất tại Kon Tum khó có khả năng xảy ra động đất có độ lớn trên 5.5.

Ứng phó thế nào khi động đất xảy ra?

Sáng 1.8.2024, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết: Động đất có thể gây ra nứt đất; gây rung lắc, phá hủy công trình, hóa lỏng nền đất gây lún, nghiêng công trình; sụt lún, sạt lở đất, đá lăn từ vách núi, có thể làm sụt giảm mực nước ngầm, ảnh hưởng nguồn nước, ví dụ trận động đất Cao Bằng 2019 có độ lớn 5.4 (M=5.4) làm khu vực xã Đàm Thủy, suối bị mất nước, mó nước cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân xung quanh bị cạn, một số giếng khoan, nước đục như bùn loãng. Trận động đất Mộc Châu năm 2020 (M=5.3) tại xã Nà Mường có hiện tượng phụt nước ra…

Các ứng phó với động đất. Nguồn: Cục PCTT
Các ứng phó với động đất. Nguồn: Cục PCTT

Các nghiên cứu sơ bộ, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng có độ lớn trên 5.5 độ, nên người dân không nên hoang mang. Điều quan trọng là phải gia cố nhà cửa đáp ứng yêu cầu.

Theo Cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ NNPTNT), nếu ở các khu vực thường xuyên có cảnh báo động đất cần chủ động chuẩn bị sẵn các vật dụng khẩn cấp gồm nước uống đóng chai, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, pin, radio, dụng cụ y tế, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác. Không đặt các vật nặng lên giá đỡ cao, không đặt giường, tủ sát cửa kính. Những vật dụng trong nhà dễ đổ, rơi xuống nên được gắn chặt vào tường nhà. Các đồ vật nặng như: Kệ sách, tủ đồ… nên đặt ra xa khỏi các lối, đường thoát nạn. Những người sống ở chung cư cần nắm vững lối thoát hiểm. Theo dõi thông báo, chỉ dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Nếu động đất xảy ra khi đang ở trong nhà, ngay lập tức chui xuống gầm bàn, gầm giường chắc chắn để tránh các vật rơi trúng người và nếu trần nhà sập vẫn có không khí để thở. Ở đó ít nhất cho đến khi hết đợt rung chấn thứ nhất. Ra khỏi chỗ ẩn nấp sau khi hết cơn rung chấn và khi chỗ trú thực sự có nguy cơ sập đổ. Luôn giữ trẻ em, người lớn tuổi theo bên mình. Mang giày, dép để tránh giẫm phải mảnh kính vỡ, đồ vật sắc nhọn. Nhanh chóng loại trừ nguồn nhiệt: Nếu động đất nhẹ, khóa van khí đốt (gas), tắt các thiết bị điện rồi tìm nơi trú ẩn. Nếu quá mạnh, sau khi hết cơn rung chấn thứ nhất thì khóa van khí đốt (gas), tắt các thiết bị điện.

Nếu động đất nhỏ hoặc ngay sau khi hết cơn rung chấn lần thứ nhất, mở cửa sổ, cửa ra vào để thoát hiểm khi cần (đề phòng biến dạng cấu kiện xây dựng không mở được cửa). Không ra khỏi nhà khi động đất đang xảy ra, đề phòng cấu kiện xây dựng, đồ vật rơi vào người.

Tuyệt đối không sử dụng thang máy. Nếu đang ở trong thang máy mà nguồn điện vẫn hoạt động, nhanh chóng thoát khỏi thang máy, tìm chỗ trú ẩn trong tòa nhà. Nếu thang máy mất điện, lập tức nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi đến khi thang máy hoạt động trở lại hoặc hết rung chấn thì gọi trợ giúp, sử dụng thang bộ sau khi ra khỏi thang máy.

Nếu động đất xảy ra khi đang ở ngoài đường thì nên lánh nạn ở những bãi đất trống, tránh xa các tòa nhà cao tầng, tường cao, dây điện, panô quảng cáo, cây to…

Nếu động đất xảy ra trong lúc lái xe, tìm một địa điểm an toàn để dừng lại, tốt nhất là tấp xe vào lề đường, tránh xa các trụ điện, dây điện, cầu, cầu vượt, đường dốc.

Nguồn: Laodong.vn