Cơ quan khí tượng nhận định số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông từ nay đến tháng 1.2025 sẽ ở mức tương đương trung bình nhiều năm.
Thời tiết Việt Nam chịu ảnh hưởng rõ rệt từ hoạt động của ENSO. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã cập nhật dự báo diễn biến ENSO trong 6 tháng tới (từ tháng 8.2024 đến tháng 1.2025).
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết về hiện tượng ENSO, hiện tại ENSO đang ở pha trung tính và tiếp tục duy trì đến khoảng cuối tháng 8 năm 2024. Từ tháng 9 – 10 năm 2024, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 – 70%.
Từ tháng 11 năm 2024 đến tháng 1 năm 2025, dự báo hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 70 – 80%.
Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, từ nay đến tháng 10 năm 2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5 – 7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 1 – 3 cơn đổ bộ vào đất liền.
Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời gian này là từ 6 – 7 cơn, đổ bộ vào Việt Nam khoảng 3 cơn.
Từ tháng 11 năm 2024 đến tháng 1 năm 2025, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 3 – 4 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 1 – 2 cơn đổ bộ vào đất liền. Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời kỳ này là từ 3 – 4 cơn, đổ bộ vào Việt Nam khoảng 1 cơn.
“Điều cần đặc biệt lưu ý, trong thời gian sắp tới của mùa bão 2024, cần đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông” – Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Lâm cũng khuyến cáo trong giai đoạn nửa cuối năm, bão/áp thấp nhiệt đới, gió mùa tây nam, gió mùa đông bắc có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông.
Mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở các khu vực chịu tác động.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, về tình hình hải văn, từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2024, do ảnh hưởng của hoạt động gió mùa tây nam nên ngoài khơi vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ có khả năng xuất hiện sóng cao 2 – 4m.
Tại các vùng biển ven bờ khu vực Cà Mau – Kiên Giang độ cao sóng dao động trong khoảng 1,5 – 2,5m, có lúc trên 2,5m.
Tháng 10.2024, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, độ cao sóng khu vực Vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Bộ có thể đạt 2 – 4m.
Từ tháng 11.2024 đến tháng 1.2025, độ cao sóng ở khu vực Vịnh Bắc Bộ dao động từ 2 – 4m, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ dao động từ 3 – 5m.
Vùng ven biển các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ cần lưu ý đề phòng sóng lớn kết hợp với nước dâng do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới; nguy cơ cao gây sạt lở bờ sông, bờ biển.
Nguồn: Laodong.vn