Bộ Công an lý giải việc đề xuất giảm mức phạt nồng độ cồn

Việc giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn dưới mức 25 miligam/lít khí thở, theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) xuất phát từ thực tiễn, tiếp thu ý kiến.

Bộ Công an lý giải việc đề xuất giảm mức phạt nồng độ cồn
Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ về lý do đề xuất giảm mức phạt với người vi phạm nồng độ cồn dưới 25 miligam/lít khí thở. Ảnh: Quang Việt

Ngày 8.8, liên quan đến giảm mức phạt với người vi phạm nồng độ cồn dưới mức 25 miligam/lít khí thở, được nêu trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, đại diện Cục CSGT, Bộ Công an đã có những chia sẻ.

Theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 đồng – 1 triệu đồng đối với người lái xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), mức tiền phạt là từ 6 đến 8 triệu đồng.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng Phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết, khi soạn thảo dự thảo Nghị định, quá trình nghiên cứu Bộ Công an đã tiếp thu những ý kiến tham gia đóng góp của các Bộ, ngành.

“Có nhiều ý kiến đưa ra giảm mức phạt với trường hợp vi phạm trên”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin. Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu thì trong vòng một tiếng đồng hồ, đo được dưới ngưỡng 0,25 miligam/lít khí thở. Do đó, Bộ cũng lấy tham khảo, tiếp thu từ khuyến cáo này.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam – bày tỏ rất đồng tình với đề xuất trên. Theo ông Quyền, trong nhóm vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu, có người uống 1 chén rượu sau 3 giờ đã hết cồn trong hơi thở nhưng có người thì vẫn còn. Điều này tùy thuộc vào khả năng đào thải cồn của mỗi người.

Ngoài ra, còn có các loại rượu mạnh hoặc nhẹ khác nhau, có trường hợp cồn nội sinh… nên những người vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu không phải ai cũng cố tình vi phạm. Ông Quyền cho rằng, nhóm người vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu thì nguy cơ gây tai nạn rất thấp. Do đó, mức xử phạt ở nhóm này nên giảm.

“Chúng ta không nên quy định mức phạt cao với nhóm này vì gây phản ứng trong xã hội. Tôi rất đồng tình với đề xuất của Bộ Công an khi đưa ra mức xử phạt mới đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu”, ông Quyền cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Quyền, nếu để mức xử phạt cao quá, nhất là đối với các trường hợp đi xe cũ, giá trị không cao, người ta sẵn sàng bỏ lại phương tiện. Điều này gây ra hệ quả, lãng phí xã hội rất lớn. Phương tiện sẽ bị dồn về các bãi xe, việc xử lý bán đấu giá cũng không kịp với việc dồn ứ đó.

Cùng vấn đề giảm mức phạm trên, TS Khương Kim Tạo – nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia – cho biết, lần đầu tiên trong “lịch sử” biên soạn nghị định liên quan đến xử phạt, có đề xuất đến việc giảm mức phạt tiền, có tính nhân văn rất cao. Đây là bước ngoặt trong công tác quản lý an toàn giao thông mà Bộ Công an đề ra. Mức phạt trước đó ông Tạo thấy trăn trở, vì thế việc đề xuất như hiện tại, ông ủng hộ.

“Mức phạt với nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/lít khí thở là hợp lý”, ông Tạo đồng tình.

Nguồn: Laodong.vn