Dự báo thời điểm không khí lạnh hoạt động mạnh dần trong năm 2024

Cơ quan khí tượng mùa mưa tại các khu vực có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh dần lên trong 3 tháng cuối năm nay.

Dự báo thời điểm không khí lạnh hoạt động mạnh dần trong năm 2024

Mới đây, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát hành bản tin dự báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc (tức từ tháng 7 đến tháng 12.2024).

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia – xung quanh những nét thời tiết đáng lưu ý nhất trong giai đoạn trên.

Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia trao đổi về diễn biến thời tiết đáng chú ý. Ảnh: Hùng Trần

Thưa ông, giai đoạn tháng 5 miền Bắc mưa nhiều, nắng nóng chỉ xuất hiện cục bộ. Tuy nhiên sang tháng 6 lại tiếp diễn tình trạng nắng nóng diện rộng. Dự báo thời gian tới, diễn biến nắng nóng ra sao?

– Về tình hình nắng nóng, từ tháng 4 đến nay trên cả nước đã ghi nhận nhiều trạm khí tượng xảy ra giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử và có nơi vượt cả giá trị cao nhất năm từng quan trắc được.

Tại khu vực Bắc Bộ, nắng nóng còn xảy ra đến tháng 8 và tập trung chính trong tháng 7. Còn tại khu vực Trung Bộ, nắng nóng còn xảy ra đến tháng 9, tập trung chính trong tháng 7 và tháng 8. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng sẽ xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Từ tháng 10, không khí lạnh sẽ bắt đầu hoạt động mạnh dần lên.

Nắng nóng vẫn sẽ xảy ra trong thời gian tới, vậy tình trạng khô hạn dự báo có tiếp diễn hay không?

– Ở khu vực Trung Bộ, khô hạn có khả năng còn kéo dài đến tháng 8 năm 2024; sau đó mưa gia tăng.

Vậy dự báo thời gian thời điểm bắt đầu mùa mưa năm nay ở các khu vực như thế nào, thưa ông?

– Mùa mưa tại khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm, tức là vào khoảng cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, gió mùa tây nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.

Từ tháng 9 đến cuối năm, tổng lượng mưa ở hầu khắp các khu vực đều phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét và gió giật mạnh.

Mưa lớn kèm dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở các khu vực chịu tác động.

Từ tháng 10 – 12, trên các sông Trung Bộ, Tây Nguyên xuất hiện các đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ ở hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An, Hà Tĩnh) ở mức báo động 1 – báo động 2; hạ lưu các sông chính từ Quảng Bình đến Bình Định, Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 – báo động 3, các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận dao động ở mức báo động 2.

Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các khu vực vùng núi.

Lượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, từ Quảng Bình đến Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên và khu vực nam Tây Nguyên ở mức tương đương và cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 – 30%.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Laodong.vn