Ngành đăng kiểm được “cởi trói”, nhiều tỉnh miền núi trút được gánh nặng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng ý áp dụng trình tự thủ tục rút gọn trong việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018 và Nghị định số 30/2023, điều này đã giúp “cởi trói” cho ngành đăng kiểm. Đặc biệt tại các tỉnh miền núi.

Theo thông tin mới nhất từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT về kiến nghị xây dựng Nghị định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Văn bản nêu rõ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý áp dụng trình tự thủ tục rút gọn trong việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP theo quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước thông tin này, các trung tâm đăng kiểm thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc hiện có nguy cơ ảnh hưởng như được “cởi trói”.

Hiện Trung tâm đăng kiểm 28 - 01S ở Hòa Bình chỉ hoạt động 1 dây chuyền kiểm định. Ảnh: Minh Nguyễn

Tại tỉnh Hòa Bình, theo ghi nhận của PV, tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Hòa Bình 28-01S – Trung tâm đăng kiểm duy nhất thuộc Sở GTVT Hòa Bình, hiện đang vận hành 1 dây chuyền kiểm định.

Ông Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Hòa Bình 28-01S chia sẻ, đầu tháng 4.2024, 10 cán bộ của đơn vị bị đưa ra xét xử trong vụ án “Nhận hối lộ”, trong đó có 6 đăng kiểm viên bị Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình tuyên phạt án treo nhưng không bị cấm hành nghề.

Căn cứ theo các quy định của pháp luật thì toàn bộ những người nêu trên đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc dẫn đến trung tâm có nguy cơ đóng cửa.

Theo ông Hùng, trước tình hình đó, để đảm bảo duy trì hoạt động, đơn vị đã huy động 1 đăng kiểm viên của Trung tâm đăng kiểm 3605D (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) cùng với 1 đăng kiểm viên và 4 nhân sự thực tập của trung tâm để đảm bảo vận hành 1 dây chuyền. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, nếu không bổ sung kịp nhân sự thì vẫn có nguy cơ phải đóng cửa.

Ông Đinh Anh Tuấn – Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình, cho biết, nếu các Nghị định nói trên được sửa đổi sẽ “cởi trói” cho các trung tâm đăng kiểm ở miền núi, đặc biệt tại Hòa Bình.

Các trung tâm đăng kiểm trên cả nước đã thoát khỏi nguy cơ đóng cửa. Ảnh: Minh Nguyễn

“Khi nghị định được sửa đổi, Trung tâm đăng kiểm 28-01S có thể ký hợp đồng trở lại với các đăng kiểm viên không bị bị cấm hành nghề và có thể vận hành lại 2 dây chuyền kiểm định, hoạt động trở lại bình thường” – ông Tuấn nói.

Đối với tỉnh Bắc Kạn, có duy nhất một trạm đăng kiểm đang hoạt động là Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Bắc Kạn 97 – 01D, nếu trung tâm này đóng cửa thì tỉnh này sẽ không còn Trung tâm đăng kiểm.

Tuy nhiên, ông Lèng Văn Chiến – Giám đốc Sở GTVT tỉnh này cho hay, trung tâm này vẫn đang hoạt động bình thường. Mặt khác, lượng xe tại Bắc Kạn không nhiều nên việc ùn tắc đăng kiểm sẽ không xảy ra.

Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện trên cả nước đã có 42 địa phương với 112 trung tâm đăng kiểm có đăng kiểm viên bị khởi tố với số lượng lên đến trên 900 đăng kiểm viên.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Đăng kiểm, cả nước có 31 tỉnh, thành phố có nguy cơ sẽ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định trong đó, có những tỉnh không còn trung tâm đăng kiểm để hoạt động như Bắc Kạn, Hòa Bình.

Để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản đề xuất, sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP với trình tự, thủ tục rút gọn, theo hướng loại trừ trường hợp thu hồi Chứng chỉ đăng kiểm viên và tạm đình chỉ hoạt động của đơn vị đăng kiểm.

Nguồn: Laodong.vn