Do chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong khi hầu hết các di tích dạng kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử được xây dựng hàng trăm năm nên xuống cấp nhanh theo thời gian, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu lý giải.
Đó là một trong những nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu sáng ngày 12.7 của Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu khi trả lời chất vấn nguyên nhân di tích xuống cấp, nhiều di tích khai thác chưa hiệu quả.
Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cho rằng, ngoài nguyên nhân trên, thời gian qua, nguồn kinh phí cho công tác tu bổ khá lớn trong điều kiện tỉnh còn khó khăn nên không thể cùng một lúc tu bổ hết.
Theo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, trình tự, thủ tục tu bổ di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá còn phức tạp nên quá trình triển khai thực hiện dự án tu bổ còn chậm; việc phân cấp quản lý di tích còn nhiều bất cập; hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh…
Thời gian qua có nhiều di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay có một số di tích xuống cấp, bị hư hỏng sau khi xếp hạng, nhưng chưa được quan tâm đầu tư sửa chữa kịp thời; việc phân cấp quản lý còn nhiều bất cập, việc khai thác, phát huy giá trị của các di tích còn nhiều hạn chế.
Được biết, tỉnh Bạc Liêu có 55 di tích được xếp hạng, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích quốc gia và 40 di tích cấp tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phải quan tâm hơn, đây là trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành. Cần phải làm khang trang hơn, đàng hoàng hơn, lịch sự hơn… Đầu tư cho văn hoá, di tích không thiếu tiền, Sở cần nhận rõ trách nhiệm của mình.
Nguồn: Laodong.vn