Xót xa cảnh vỏ rừng – ruột nương rẫy ở Đắk Nông

Khi thời tiết bước vào mùa mưa thì cũng là lúc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện những người lạ mặt mua cây giống với số lượng lớn rồi đi về phía sau những cánh rừng xanh ở huyện Đắk Song và Đắk Glong và mất hút. Mục đích của họ là lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy sản xuất.

Xót xa cảnh vỏ rừng - ruột nương rẫy ở Đắk Nông

Khó ngăn chặn người dân lấn chiếm đất rừng

Theo nhận định của người dân địa phương, những người lạ mặt mua cây giống số lượng lớn rồi đi về phía rừng xanh có khả năng cao sẽ lấn chiếm đất rừng để trồng các cây này trong mùa mưa.

Để tiếp cận được những cánh rừng tự nhiên tại tiểu khu 1617 của Công ty TNHH MTV Đắk N’tao quản lý, chúng tôi phải vượt hơn 3km đường rừng trơn trượt trong mùa mưa. Dưới cung đường này có đa dạng các loại cây rừng với nhiều cây cổ thụ tuổi đời lên đến hàng trăm năm tuổi.

Sau khi vượt hơn 3km đường rừng, đột ngột xuất hiện trước mắt chúng tôi là một khoảng trống mênh mông và hết sức xót xa. Tại đây, có nhiều diện tích đất rừng thuộc địa phương và công ty lâm nghiệp quản lý đã bị lấn chiếm để làm nơi sản xuất. Các loại cây người dân trồng trên đất rừng bao gồm lúa cạn, hồ tiêu, cà phê…

Theo ông Phùng Văn Kiên – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’tao, tổng diện tích đất rừng đơn vị được giao quản lý hơn 11.185ha. Trong đó, diện tích có rừng 7.992,25ha; diện tích chưa có rừng 3.193,52ha. Toàn bộ diện tích này được phân bổ trên địa bàn TP Gia Nghĩa, huyện Đắk Song và Đắk Glong của tỉnh Đắk Nông.

Qua thống kê, diện tích đất lâm nghiệp đã bị người dân lấn chiếm, canh tác, trồng tỉa cây hoa màu thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Đắk N’tao quản lý là 1.858,54ha. Diện tích lấn chiếm đã xác định được đối tượng canh tác là 1.401,34ha/785 hộ, chưa xác định được đối tượng canh tác 457,2ha. Trong đó, tổng số nhà ở, nhà tạm, nhà chòi đã xây trên đất lâm nghiệp thuộc lâm phần công ty quản lý 633 nhà. Tại địa bàn Đắk Song là 346 nhà; Đắk Glong là 287 nhà.

Tương tự, theo ông Trần Hữu Dưỡng – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, đơn vị hiện đang quản lý 14.392,11ha diện tích đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích có rừng là 7.651ha; đất không có rừng 6.400ha (đã bị lấn chiếm trồng cây khoảng 4.500ha).

Khó khăn trong việc quản lý rừng và đất rừng mà đơn vị đang gặp phải là nguồn nhân lực của công ty còn hạn chế, không tuyển dụng được người đúng chuyên ngành. Mặt khác, diện tích đất rừng được phân bố rộng, trải dài, không tập trung và chia cắt bởi các đơn vị quản lý khác. Trong khi đó, thẩm quyền của đơn vị chủ rừng còn hạn chế trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

68.000ha đất rừng bị người dân lấn chiếm

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông, đã có khoảng 68.000ha đất lâm nghiệp do các địa phương, đơn vị chủ rừng quản lý đang bị người dân lấn chiếm để canh tác, sản xuất nông nghiệp. Phần lớn diện tích đất bị lấn chiếm từ giai đoạn trước năm 2014. Hiện nay, người dân đã sinh sống, canh tác ổn định trong một thời gian dài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn, chiếm đất lâm nghiệp. Trong đó, tập trung các nguyên nhân chính như gia tăng dân số cơ học. Đặc biệt là tình trạng dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh Đắk Nông gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế rừng chưa hợp lý, giá trị đem lại từ rừng trồng thấp, nhiều rủi ro. Ngược lại, giá trị từ các cây trồng nông nghiệp, công nghiệp lại cao. Thế nên, chưa thu hút được người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Quan trọng hơn, chính quyền địa phương tại một số nơi chưa thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về dân cư, đất đai; thiếu cương quyết trong công tác chỉ đạo, điều hành xử lý tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp. Do đó, chưa triệt tiêu được động cơ, mục đích lấn chiếm đất lâm nghiệp của các đối tượng vi phạm.

Nguồn: Laodong.vn