Bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở, giải pháp cấp thiết mùa mưa lũ

Mưa liên tục trên diện rộng khiến tình trạng sạt lở xuất hiện tại nhiều địa phương trong đó vụ đất đá sạt lở tại Km10+980 đoạn qua địa phận xã Yên Định (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) là nghiêm trọng nhất khi làm 11 người chết, 4 người bị thương, gây ách tắc cục bộ tại tỉnh lộ 34. Vấn đề cảnh báo và chủ động ứng phó với tình trạng này trong cao điểm mùa mưa một lần nữa lại được đặt ra.

Bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở, giải pháp cấp thiết mùa mưa lũ
Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng làm 11 người chết, 4 người bị thương tại Km10+980 đoạn qua địa phận xã Yên Định (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Lam Thanh

Xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng

Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Hà Giang liên tục gánh chịu các vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Tại Thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) rạng sáng ngày 14.7, sạt lở bờ taluy đã vùi lấp 1 kho hàng, may mắn không thiệt hại về người. Sau đó, các cơ quan chức năng đã xử lý điểm sạt, di chuyển người và các tài sản đến nơi an toàn.

Trước đó, vào rạng ngày 13.7, xe khách mang biển kiểm soát 29E-024.89 chạy tuyến Hà Giang – Cao Bằng khi đến đoạn Km10+980 tỉnh lộ 34 bị mắc kẹt do đất đá sạt lở. Thời điểm trên, 1 xe ôtô 7 chỗ cùng nhiều người điều khiển xe máy đã đến hỗ trợ, bất ngờ đất đá từ vách núi tiếp tục sạt lở khiến nhiều người bị vùi lấp. Vụ sạt lở nghiêm trọng làm 11 người chết, 4 người bị thương.

Chưa hết bàng hoàng sau khi sự cố, anh Vừ Mí Sinh (xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cho biết, thời điểm sạt lở bản thân chỉ thò được đầu lên mặt đất nên lấy tay cào bớt đất để thở. “Nhiều nạn nhân cũng trong tình trạng tương tự, nhưng nhiều người không được may mắn. Đến khoảng 6h sáng, các xe cấp cứu và lực lượng công an đến cứu nạn ra ngoài rồi đưa đến bệnh viện cấp cứu” – anh Sinh cho biết.

Ở Quảng Nam, mưa to liên tục nhiều ngày qua khiến đoạn đường Ba Nga lên trung tâm xã Kà Dăng (huyện Đông Giang) bị sạt lở, gây nguy hiểm cho người đi đường. Đáng lo ngại là địa điểm này vẫn có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Ông Nguyễn Đức Huy – Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang – cho biết, trong sáng 12.7, tuyến đường Ba Nga bị sạt lở hơn 50m, chiều cao mái taluy sạt lở hơn 30m, khối lượng sạt lở khoảng 50m3 đất đá. Đơn vị phối hợp địa phương đã tiến hành rào chắn, cảnh báo người đi đường và khẩn trương triển khai thông tuyến sớm nhất.

Còn tại Quảng Ngãi, qua khảo sát của các cơ quan chức năng, có 137 điểm có nguy cơ cao sạt lở núi, lũ quét và 157 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 217.229 mét. Nhiều điểm trong số đó có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và hạ tầng thiết yếu của người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Trọng Phương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi – cho biết, tình trạng sạt lở núi, bờ sông và bờ biển ở Quảng Ngãi trong mùa mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp và đang có xu hướng gia tăng. Tỉnh cần được bố trí nguồn kinh phí để khắc phục các khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ, phát triển hạ tầng bền vững.

Hiện trường vụ sạt lở núi nghiêm trọng, làm sập hoàn toàn Nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1 huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi tháng 10.2022.Ảnh: Viên Nguyễn
Hiện trường vụ sạt lở núi nghiêm trọng, làm sập hoàn toàn Nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1 huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi tháng 10.2022.Ảnh: Viên Nguyễn

Rất cần một hệ thống phân tích được các nguy cơ, rủi ro

Liên quan đến nhiều vụ sạt lở tại tỉnh Hà Giang thời gian qua, trao đổi với Lao Động ngày 14.7, Giáo sư Tạ Hòa Phương – Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam – nhận định, những vùng núi càng cao sẽ càng có nguy cơ xảy ra thiên tai và sạt lở. Bản chất là do sau những trận mưa liên tiếp nhiều ngày, nước sẽ làm cho các tầng đất đá bồi giảm tác dụng ma sát (không phải tầng đá nguyên sinh). Dưới tác dụng của trọng lực thì những loại đất đá này sẽ có nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Đây cũng chính là nguồn gốc của những sự trượt lở hay lũ được hình thành.

Như ghi nhận ở Hà Giang cho thấy, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng lũ quét, lũ ống… Đây là những hiện tượng thiên nhiên gặp thiên tai mà việc dự báo là không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu chúng ta lập ra được bản đồ thiên tai thì sẽ dễ dàng hơn trong quá trình dự báo, chỉ điểm những khu vực nguy cơ.

Cảnh báo đến người dân đang sinh sống hoặc đi qua các vùng nguy cơ này, theo Giáo sư Tạ Hòa Phương, vai trò của chính quyền địa phương trong vấn đề này là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần kết hợp với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để đưa ra các cảnh báo thiên tai kịp thời, hiệu quả.

“Trên thực tế, nhu cầu dân sinh, chỗ ở vẫn đang là vấn đề thường trực của người dân. Họ vẫn sẽ tìm đến những khu vực có thể phù hợp với cuộc sống và công việc của họ như trồng trọt, mùa màng thuận lợi để sinh sống và sản xuất. Tuy nhiên, không phải vùng nào cũng an toàn tuyệt đối về mặt thiên nhiên và nhiều người vẫn chấp nhận cuộc sống tại những khu vực này để mưu sinh” – Giáo sư Tạ Hòa Phương giải thích.

Để an toàn khi sống tại những vùng thường xuyên có thiên tai theo Giáo sư Tạ Hòa Phương, rất cần một hệ thống phân tích được các nguy cơ, rủi ro trên cơ sở lập bản đồ thiên tai, quy hoạch vùng nguy hiểm. Từ đó đưa bản đồ này xuống từng địa phương để có thể kịp thời cảnh báo người dân.

“Thậm chí cũng cần phải có những biện pháp cưỡng chế bắt buộc, di dời người dân ra khỏi những vùng nguy hiểm. Kèm theo đó là những chính sách an sinh phù hợp để những người dân an cư tại nơi ở mới” – giáo sư Tạ Hòa Phương nói.

Bên cạnh công tác dự báo, việc xây dựng và chuẩn bị cho công tác ứng phó với nguy cơ sạt lở cũng rất cần thiết. Ông Nguyễn Văn Lượm – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam – cho biết, hiện nay tại các thôn bản đều có đội xung kích luôn trong tư thế sẵn sàng với phương án “4 tại chỗ” nhằm kịp thời ứng cứu. Phương án chống ngập úng, sạt lở cũng được xây dựng một cách chi tiết, cụ thể.

Để ứng phó với đợt mưa lớn và sạt lở đất lần này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện miền núi Quảng Ngãi đang chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, thông tin kịp thời đến người dân trong khu vực để chủ động các biện pháp ứng phó. Các đơn vị cũng tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét để kịp thời di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Sáng 14.7, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Mạnh Tuyên – Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê – cho biết, tất cả các nạn nhân đã được tìm thấy. Vụ sạt lở nghiêm trọng làm 11 người tử vong, 4 người bị thương được đưa đi cấp cứu, 9 người an toàn. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng các trang thiết bị máy móc được huy động để xử lý điểm sạt lở để thông xe tại tỉnh lộ 34 trong ngày 14.7.

Cùng ngày, thông tin từ UBND tỉnh Hà Giang, sau vụ sạt lở khiến đất đá vùi lấp xe khách 16 chỗ, UBND tỉnh đã có 2 văn bản gửi các sở, ban, ngành, địa phương về việc tập trung khắc phục sự cố, thực hiện công điện số 67 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung khắc phục hậu quả vụ sạt lở tại huyện Bắc Mê. Đồng thời, triển khai công tác ứng phó mưa lũ, sạt lở trong thời gian tới. UBND tỉnh giao Sở NNPTNT Hà Giang làm đầu mối, phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả, tránh để các sự cố sạt lở tương tự xảy ra, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn giao thông. Ngọc Minh

Do tác động của áp thấp nhiệt đới, dự báo từ ngày 14.7 đến ngày 17.7, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Thảo Anh

Mưa lớn, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề

Theo Báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Giang, mưa lớn, sạt lở đất ngày 12.7-13.7.2024 đã gây thiệt hại nặng nề cả về người và của. Sáng ngày 13.7.2024, sự cố sạt lở đất vào xe khách lưu thông trên tuyến Quốc lộ 34 thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, đã làm 11 người chết, 1 người mất tích và 4 người bị thương.

Mưa lớn, sạt lở đất cũng khiến 46 nhà bị hư hỏng, thiệt hại; 20,02ha lúa, hoa màu; 2,7ha cây lâm nghiệp chịu thiệt hại. Về giao thông xảy ra sạt lở tại QL 34 với chiều dài khoảng 150m, ước tính 21.000m3; 11 vị trí đường tỉnh bị sạt lở với 2.800m3 đất đá; 58 vị trí đường huyện, liên xã, liên thôn bị sạt lở với 2.200m3 và 01 cầu tràn bị cuốn trôi. Ước tính thiệt hại 6,5 tỉ đồng.

Trước những diễn biến tiêu cực về tình hình thời tiết thời gian gần đây, ngày 13.7.2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 67/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung khắc phục sự cố sạt lở đất tại tỉnh Hà Giang và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, thời gian tới các tỉnh miền núi phía Bắc cần thực hiện nghiêm Công điện số 67/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tỉnh Hà Giang cần tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố sạt lở đất; các tỉnh, thành phố khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thực hiện nghiêm Công điện 4978/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 13.7.2024 của Bộ NNPTNT; Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về NNPTNT qua Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai. Khương Duy

Nguồn: Laodong.vn