UBND tỉnh Kiên Giang thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế tồn tại – trong đó việc khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát – đã gây khó cho các dự án.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, trong năm 2024, tỉnh thiếu khoảng hơn 1 triệu khối cát. Ví dụ Dự án đầu tư xây dựng công trình đường 3/2 nối dài một phần do thiếu cát nên bị chậm tiến độ.
Tại kỳ họp thứ 24 Hội đồng nhân dân tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho hay: “Nếu có đủ cát thì tháng 7.2024, dự án đường 3/2 đã đưa vào thông xe nhưng mà đến giờ này, cát rất nhỏ giọt. Tỉnh đang cố gắng tháng 9.2024 sẽ hoàn thành thông xe. Các nhà thầu cũng tập trung tìm rất nhiều nguồn cát về san lấp”.
Theo ông Thành, các hạ tầng tập trung vào khâu giải phóng mặt bằng để tổ chức thi công nhưng khi có mặt bằng rồi thì lại thiếu vật liệu đặc biệt là cát san lấp. Lượng cát hiện nay tập trung vào dự án đường cao tốc, 1 số mỏ cát đã khai thác cạn kiệt thì chỉ chuyển phương án dùng mỏ cát biển nhưng cũng đang đánh giá chưa cho mở rộng.
“Nếu không khéo đánh giá tác động môi trường thì ảnh hưởng đến sản xuất nên rất là khó, chúng ta vẫn đang mua cát nhỏ giọt. Tỉnh cũng có đề xuất Trung ương cho thử nghiệm cát biển vì hiện có 16 vị trí có thể khảo sát đánh giá. Tới đây tỉnh sẽ còn làm nhiều hạ tầng khác nữa nên phải có tính chủ động xử lý”, ông Thành nói.
Ngoài ra thì các mỏ đá cũng khảo sát đánh giá thì nhu cầu trữ lượng tới đây vừa phục vụ cho các công trình hiện tại và đặc biệt là những công trình mới, đầu tư công giai đoạn 2025-2030.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chia sẻ tại cuộc họp, trước đây chưa có quy hoạch cụ thể thì kêu gọi nhà đầu tư khó còn bây giờ có đầy đủ rồi thì làm sẽ dễ hơn. UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận lại những hạn chế tồn tại. Trong đó việc khan hiếm vật liệu xây dựng cũng là một nút thắt gây khó cho dự án. Thu hút đầu tư tăng chưa mạnh so cùng kỳ, số dự án khởi công mới còn ít nên 5 tháng còn lại phải cố gắng khởi công được những dự án lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các dự án có chủ trương đầu tư rồi cần chủ động rà soát lộ trình thời gian, quy định các luật vì nếu làm chậm sẽ ảnh hưởng khi Luật Đất đai mới ban hành vào 1.8 tới.
Tỉnh cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công mục tiêu phấn đấu đạt 95% trở lên, tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng đặc biệt là xác định giá đất để đảm bảo thu chi ngân sách, bàn giao mặt bằng cho các dự án. Đặc biệt là 2 dự án cao tốc mà Thủ tướng rất quan tâm là đoạn qua Vĩnh Thuận và đường HCM qua địa phận Kiên Giang, hết năm 2025 sẽ đưa và khai thác, ông Thành cho hay.
Nguồn: Laodong.vn