Từ đầu năm 2024 đến nay, hết nắng hạn đi qua thì mùa mưa bão lại đến và người dân ở trên địa bàn Tây Nguyên liên tục phải gánh chịu các thiệt hại nặng nề từ thời tiết cực đoan.
Thiên tai diễn biến phức tạp
Thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho thấy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một đợt hạn hán nghiêm trọng trên diện rộng; 3 trận giông lốc, mưa đá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân trong tỉnh.
Toàn tỉnh có trên 27.284ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước. Tại thời kỳ đỉnh điểm nhất của mùa khô năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 4.175 hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước. Tổng thiệt hại mà đợt hạn hán gây ra là hơn 165 tỉ đồng.
Ngoài ra, những đợt giông lốc xảy ra ở huyện Ea Kar và Krông Pắk xảy ra mưa đá làm thiệt hại hơn 340ha diện tích cây trồng, hư hỏng hàng loạt nhà dân và trường học. Tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 26 tỉ đồng.
Theo Phòng NNPTNT huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), mưa lớn từ ngày 18 đến 21.7 vừa qua đã khiến 50 ngôi nhà ở xã Đăk Liêng bị ngập cục bộ, toàn huyện có khoảng 326,8ha lúa nước vụ hè thu bị ngập lụt.
Tại tỉnh Lâm Đồng, thông tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, địa bàn xảy ra hơn 30 đợt mưa lớn kèm theo lốc, sét, mưa đá. Một số địa phương như huyện Lâm Hà, Cát Tiên xảy ra lốc xoáy, khiến gần 30 căn nhà tốc mái, gây sạt lở một số tuyến đường giao thông dân sinh. Có thời điểm, nhiều địa phương xảy ra khô hạn, thiếu nước tưới đã ảnh hưởng đến khoảng 12.000ha cây trồng của bà con nông dân.
Chủ động phòng, chống lụt bão
Ông Trần Văn Khánh – Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp – cho biết: “Sông Sêrêpốk đi qua địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Trên sông Sêrêpốk hiện có 5 hồ chứa thủy điện bao gồm Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3, Sêrêpốk 4 và Sêrêpốk 4A. Vào mùa mưa lũ đến, nước sông dâng cao, gây nguy hiểm cho người dân vùng hạ du nếu lưu lượng nước ở các hồ chứa thủy điện không được điều tiết kịp thời.
Mùa mưa năm 2024, dự báo trên cả nước sẽ chịu ảnh hưởng từ 12 đến 14 cơn bão. Trong đó, có 5 đến 7 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, có nguy cơ xảy ra mưa lũ. Các đơn vị vận hành hồ chứa tập trung tổ chức vận hành, điều tiết các hồ chứa bảo đảm an toàn công trình. Trong đó, các đơn vị vận hành sẽ tuân thủ các yêu cầu quy trình vận hành liên hồ chứa để giảm lũ cho vùng hạ du nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng và hoa màu của bà con nông dân”.
Mặt khác, hiện nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT cho ý kiến về việc sửa chữa một số hồ đập lớn có sự cố hỏng hóc, xuống cấp. Việc này nhằm bảo đảm an toàn hồ đập cho người dân vùng hạ du trong mùa mưa lũ.
Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk – cho hay, trong những tháng mưa bão cuối năm 2024, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết.
Các huyện, thị xã, thành phố phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh các loại hình thiên tai nguy hiểm như mưa giông kèm theo gió lốc, sét, mưa đá… Các đơn vị chủ động chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ phòng, chống thiên tai, củng cố lực lượng xung kích tại cơ sở sẵn sàng huy động giúp dân khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả.
Tại Gia Lai, các huyện Kông Chro, Đak Pơ, Ia Pa và thị xã An Khê cũng đang xây dựng phương án điều tiết nước ở hạ du vào mùa mưa bão để yêu cầu các thủy điện tích xả lũ theo quy định pháp luật, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.
Nguồn: Laodong.vn