Trong tháng 7, với kịch bản thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, trường hợp các nhà máy nhiệt điện than bị sự cố, suy giảm công suất thì hệ thống miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng công suất – đây là khẳng định của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) trong báo cáo về tình hình cung ứng điện 6 tháng đầu năm.
Huy động thêm các nguồn phát diesel mượn của khách hàng
Cục Điều tiết điện lực cho hay, nếu trường hợp trên xảy ra, sẽ quyết liệt triển khai việc điều hành dịch chuyển nhu cầu phụ tải giữa các giờ cao điểm, đồng thời huy động thêm các nguồn phát diesel mượn của khách hàng để đảm bảo cung ứng đủ điện.
Trong giai đoạn tháng 8-12, dự phòng công suất hệ thống điện miền Bắc vẫn còn thấp, các đơn vị phát điện cũng cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc đảm bảo duy trì công suất khả dụng và độ sẵn sàng của thiết bị.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Thế Hữu cho biết, việc đảm bảo cung cấp điện được Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo sát sao. Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp điện.
Ông Hữu cho biết, tính đến hết ngày 18.6, tiêu thụ điện khoảng 141,8 tỉ kWh, tương đương 45,65% so với kế hoạch cả năm. Dù đạt kỷ lục song việc cung cấp điện vẫn được đảm bảo. Ông Hữu nhấn mạnh, theo đánh giá của Cục Điều tiết điện lực, năm nay chắc chắn không để xảy ra việc thiếu điện như năm 2023.
Tuy vậy, hiện đang là giai đoạn cao điểm mùa khô (tháng 6-7), nắng nóng kéo dài khiến phụ tải cao nhất trong ngày rơi lại vào thời điểm 22 giờ (khi tất cả các gia đình sử dụng điều hòa nhiệt độ), do vậy việc đáp ứng điện hết sức căng thẳng. Chính vì thế, ông Hữu mong muốn ngoài các giải pháp chủ động từ phía ngành điện, rất cần sự chia sẻ của tất cả các khách hàng dùng điện nhằm tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả.
Ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết thêm, từ năm 2023 đến nay, tăng trưởng điện ở mức cao. Theo dự báo trong tổng sơ đồ cung cấp điện, năm nay tăng từ 8-9%, tuy vậy hiện nay đã tăng tới 12%, vì vậy tới đây phụ tải điện tăng rất nhanh.
Để đáp ứng nhu cầu này, ông Hùng thông tin, sau khi Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch và Thủ tướng đã phê duyệt Kế hoạch này tại Quyết định 262 (ngày 1.4.2024).
Tiếp đến, ngày 3.4.2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp triển khai việc thực hiện Kế hoạch với các ngành, địa phương để tìm các giải pháp thực hiện quy hoạch… Với các danh mục các dự án còn thiếu, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng ban hành các Kế hoạch tiếp theo và chờ Thủ tướng phê duyệt làm cơ sở cho các dự án…
Bộ Công Thương cũng đã tham mưu Chính phủ các giải pháp và cơ chế để triển khai thực hiện các dự án đã được đưa vào triển khai thực hiện Tổng sơ đồ điện 8 (ví dụ các cơ chế cho nhà máy điện khí LNG; đôn đốc triển khai đường dây 500kV mạch 3 đóng điện theo đúng tiến độ Thủ tướng yêu cầu; phương án nhập khẩu điện để cung cấp cho quốc gia, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả;…) nhằm đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới.
Năm nay việc cung ứng điện có thể đảm bảo
Nói về tình hình cung ứng điện, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, theo đà phục hồi kinh tế, tăng tốc sản xuất là sức ép lớn tới ngành điện. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và Bộ Công Thương cũng rất quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Trước tình hình tăng trưởng cao vượt dự báo, lượng điện tiêu thụ thực tế cao hơn 2-3%, ngay sau quý I/2024, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam… đã nâng cao sự chú ý và tập trung nguồn lực toàn ngành để lên các kịch bản cung ứng điện, trong đó có cả nhập khẩu thuỷ điện từ Lào.
Đến thời điểm hiện tại, việc cung ứng điện cơ bản tốt. Về phía Bộ Công Thương đã tính toán, rà soát khẳng định năm nay việc cung ứng điện có thể đảm bảo.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tổ chức chia thành các nhóm, đoàn công tác đôn đốc, giám sát từ các nguồn điện (các nhiên liệu nước, than, khí,…) về quá trình vận hành, chuẩn bị của các nhà máy…
Lãnh đạo cao nhất là Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có mặt tại các nhà máy, Trung tâm điều độ Điện quốc gia (A0), dự án đường dây 500kV,… Bộ trưởng còn yêu cầu Cục Điều tiết điện lực lập Tổ phản ứng nhanh, khi có vấn đề thì phải lập tức giải quyết ngay việc cung ứng điện.
Nguồn: Laodong.vn