Đà Nẵng xin bổ sung vào Chương trình giảm phát thải để giúp nâng cao thu nhập cho người dân và nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn TP.
Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc khóa hội khóa XV, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng đã thông tin, hiện nay, việc lập tín chỉ carbon và phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng là hoàn toàn phù hợp với xu hướng của thế giới nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh theo đúng chủ trương của Nhà nước.
Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình lập tín chỉ carbon tại các địa phương như Quảng Nam, Tuyên Quang…. vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở, thủ tục pháp lý trong nước và quốc tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP xem xét, bổ sung Đà Nẵng vào Chương trình giảm phát thải từ REDD+ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tiếp cận nhanh chính sách “Hấp thụ và lưu giữ carbon rừng”, nâng cao thu nhập cho người dân và nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn TP.
Trong đó UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất bổ sung vào Chương trình giảm phát thải từ REDD+ theo tiêu chuẩn TREES vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên do Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp – LEAF thực hiện.
Tháng 5 vừa qua, Cục Lâm nghiệp có Công văn về việc bổ sung Quảng Nam và Đà Nẵng tham gia sáng kiến LEAF và phản hồi Công văn của UBND thành phố Đà Nẵng.
Công văn nêu rõ “Đến nay, Cục Lâm nghiệp đang gấp rút chuẩn bị nội dung và tài liệu kỹ thuật để tiến hành đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (ERPA).
Việc bổ sung Quảng Nam và Đà Nẵng tham gia sáng kiến LEAF sẽ làm chậm đáng kể tiến trình đàm phán, ký kết và triển khai ERPA, ảnh hưởng đến tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ giao vì việc bổ sung cần phải tiến hành nhiều thủ tục của Việt Nam và phía đối tác.
Trong đó bao gồm: (1) báo cáo xin phép Thủ tướng Chính phủ; (2) thống nhất với Tổ chức Emergent (cơ quan hành chính của LEAF); (3) để nghị Ban thư ký ART (cơ quan quản lý tiêu chuẩn các-bon do LEAF áp dụng) bổ sung và chỉnh sửa, cập nhật hồ sơ đề nghị cấp tín chỉ các-bon vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ mà Việt Nam đã trình vào cuối năm 2023.
Cục Lâm Nghiệp sẽ quan tâm tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Quảng Nam và Đà Nẵng có thể tiếp cận, tham gia dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng với đối tác trong thời gian tới”.
Tại kỳ họp thứ 19 của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 29.7 vừa qua, ông Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đã cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường, đến năm 2028, thị trường các-bon tại Việt Nam mới được hình thành.
Việc cho phép triển khai chính sách về tín chỉ carbon giúp Đà Nẵng sớm tiếp cận với thị trường quốc tế và thử nghiệm giao dịch, vừa có thêm kinh nghiệm, vừa tạo ra nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước. Chính quyền thành phố cần chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện triển khai, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.
Nguồn: Laodong.vn