Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi phương tiện giao thông sang phương tiện dùng điện, năng lượng sạch sẽ là động lực cho quá trình định hướng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Tuy nhiên, để nhanh chóng tiệm cận được mục tiêu này, chính sách phải đi đầu.
Chuyển đổi xanh giao thông cần đặc biệt quan tâm điều gì?
Việc chuyển đổi các phương tiện giao thông công cộng và cá nhân, sang các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (phương tiện dùng điện, phương tiện phát thải carbon thấp hoặc không phát thải carbon trên đường), nâng cao nhận thức của người dân tham gia giao thông sẽ có tác động trực tiếp đến bộ mặt giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị.
Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động, GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên Hội kỹ sư ôtô quốc tế, thành viên Mạng lưới xe điện toàn cầu (GEAN), thành viên Hội đồng cố vấn phát triển giao thông carbon thấp châu Á, cho biết: “Việc chuyển đổi sang phương tiện dùng điện, năng lượng sạch cần phải có lộ trình và sự vào cuộc không chỉ của ngành giao thông”.
Từ năm 2022, Việt Nam ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 450 ngày 13.4.2022; tiếp đó là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 tại Quyết định số 896 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26.7.2022. Trong các chiến lược này đều có đề cập đến nhiều giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải (GTVT).
Riêng lĩnh vực GTVT, Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều cơ chế để thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng phương tiện sạch như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2022. Trong đó đề cập những ưu đãi rất rõ đối tượng và cụ thể với ôtô sử dụng điện, bên cạnh những chính sách đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22.7.2022 đặt mục tiêu rất cụ thể chuyển đổi sang năng lượng sạch, giảm phát thải khí carbon và khí methan cho lĩnh vực GTVT. Chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và sử dụng nhiên liệu sạch là một trong những giải pháp chủ đạo của lĩnh vực GTVT.
Tuy nhiên, khi nói đến phương tiện dùng điện, tức là nói đến nguồn điện, lưới điện, hạ tầng cấp điện, hệ thống trạm sạc điện, hệ thống thu gom, xử lý và tái chế pin thải…
Vì vậy, hệ thống điện quốc gia, của mỗi tỉnh, thành phố cần phải được quy hoạch đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có tính đến hạ tầng cấp điện theo các kịch bản phát triển phương tiện dùng điện.
“Đáng nói, việc phát triển phương tiện dùng điện phải được đi cùng với chuyển đổi nguồn năng lượng sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15.5.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), mục tiêu đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 30,9 – 39,2% vào năm 2030 và 67,5 – 71,5% vào năm 2050 thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện tuyên bố phát thải ròng bằng 0 năm 2050, làm tiền đề quan trọng cho việc phát triển phương tiện giao thông dùng điện bền vững” – GS.TS Lê Anh Tuấn cho biết.
Theo chuyên gia, các giải pháp để chuyển đổi xanh các phương tiện giao thông cần được thực hiện đồng bộ, đi đầu.
GS.TS Tuấn cho biết, trước hết việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phương tiện dùng điện, các chính sách khuyến khích, thúc đẩy sử dụng phương tiện dùng điện, cần đồng bộ với các chính sách liên quan đến nguồn năng lượng, lưới điện, hạ tầng sạc điện, xử lý pin thải…
Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách thúc đẩy phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu tái tạo cần được triển khai. Trong đó, việc phát triển nhiên liệu sinh học là một trong những hướng tiếp cận rất quan trọng đối với Việt Nam, giúp Việt Nam hướng tới đồng thời được 3 mục tiêu, một là trồng cây nhiên liệu để hấp thụ phát thải khí nhà kính; hai là sản xuất nhiên liệu sinh học có phát thải khí nhà kính thấp cho phương tiện và ba là nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này một cách bền vững cần triển khai tốt công tác quy hoạch đất trồng.
Ngoài ra, GS.TS Lê Anh Tuấn cũng đề cập rằng, bên cạnh việc thúc đẩy phương tiện dùng điện, cần hạn chế các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong có phát thải carbon cao.
“Để làm được điều này, cần áp dụng các chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với phương tiện đăng ký mới; tuân thủ chặt chẽ chế độ bảo trì, bảo dưỡng đối với phương tiện đang lưu hành để tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và giảm phát thải ô nhiễm. Ngoài ra, có thể thí điểm và triển khai các vùng giới hạn, có chế tài để hạn chế các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong có phát thải carbon cao hay phương tiện sử dụng động cơ đốt trong di chuyển vào vùng này” – GS.TS Lê Anh Tuấn nói.
Nguồn: Laodong.vn