Để thủy sản không “chết dần, chết mòn”

Về giải pháp bảo vệ, duy trì nguồn lợi thủy sản, lãnh đạo Sở NNPTNT Bình Định cho rằng, cần đưa ra quy định cụ thể về kích cỡ khai thác đối với từng loài thủy sản, để tránh việc đánh bắt tận diệt, khiến nguồn lợi bị cạn kiệt.

Để nguồn lợi không cạn kiệt

Với chiều dài bờ biển trên 134km, Bình Định là địa phương có điều kiện thuận lợi để các loài thủy sản sinh trưởng, phát triển với nhiều chủng loại phong phú và đa dạng. Tuy nhiên hiện nay, nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt, bởi hoạt động khai thác diễn ra ồ ạt.

Trong tổng lượng thủy sản thu về, sản lượng từ hoạt động khai thác đã chiếm đến 95%, còn lại là nuôi trồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản của Bình Định đạt hơn 146.000 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác đạt gần 140.000 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt hơn 6.000 tấn.

s
Lồng bè nuôi hàu của các hộ dân trên đầm Đề Gi. Ảnh Hoài Luân

Ngày 14.7, Trao đổi với Lao Động, ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, để duy trì nguồn lợi thủy sản, Bình Định đang từng bước triển khai theo định hướng chung của cả nước, là phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh việc định hướng phát triển nghề nuôi biển, các ngành chức năng cần quyết liệt xử lý, ngăn chặn các hành vi khai tác mang tính tận diệt như xung điện, xiếc máy, chất nổ, hóa chất… để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

s
Ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định. Ảnh: Hoài Luân

Tình trạng khai thác theo hướng tận diệt bằng xung điện, xiếc máy trên đầm Thị Nại đã và đang diễn ra dai dẳng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên công tác ngăn chặn, xử lý hiện lại gặp rất nhiều khó khăn.

“Qua rà soát, có 64 tàu hoạt động khai thác bằng xung điện, xiếc máy trên đầm Thị Nại. Trong đó, tại xã là Phước Thuận (huyện Tuy Phước) là 52 tàu và xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) là 12 tàu. Sở đã phối hợp với lực lượng biên phòng tuần tra, kiểm soát và đã xử lý được 2 tàu vi phạm trong 6 tháng đầu năm.

Các tàu cá này hoạt động lén lút, chỉ đánh bắt lúc “nửa đêm, gà gáy” và có đối tượng cảnh giới để đối phó với lực lượng chức năng, gây khó khăn cho công tác tuần tra, xử lý”, ông Phúc cho hay.

s
Người dân khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại. Ảnh: Hoài Luân

Theo ông Phúc, Sở đang thực hiện việc điều tra nguồn lợi thủy sản, qua đó sẽ tính toán được cường lực khai thác, số lượng tàu khai thác, để cấp phép khai thác một cách phù hợp, đảm bảo nguồn lợi được duy trì lâu dài, đặc biệt là nguồn lợi ven bờ và vùng lộng.

Quy định kích cỡ khai thác là cần thiết

Theo ông Phúc, trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản đang ngày càng khan hiếm như hiện nay, việc phát triển nuôi trồng thủy sản là hết sức cần thiết, vì vừa cung ứng được nguồn thủy sản cho thị trường, vừa tạo được việc làm cho người dân.

Với nghề nuôi biển, toàn tỉnh có khoảng 60ha diện tích mặt nước nuôi lồng, bè trên biển, với khoảng 3.000 lồng nuôi các loài cá biển, tôm, mực, hàu… do người dân tự đầu tư.

s
Người dân khai thác hàu tự nhiên trên đầm Thị Nại để mưu sinh. Ảnh: Hoài Luân

Trong đó, hàu là một trong những loài thủy sản đang được các hộ nuôi tập trung phát triển, bởi nhu cầu tiêu thụ của thị trường đối với loài này ngày càng tăng.

“Hàu không phải là loài thủy sản khan hiếm hay cần được bảo vệ, vì hiện nay loài này được nuôi rất nhiều. Theo quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thì chưa có quy định cụ thể về kích cỡ khai thác đối với loài này, kể cả hàu nuôi hay tự nhiên. Tuy nhiên về lâu dài, việc đưa các quy định cụ thể về kích cỡ khai thác đối với từng loài thủy như các nước khác là cần thiết, như vậy sẽ duy trì được nguồn lợi thủy sản về sau.

Hiện nay, các lồng bè nuôi hàu đang áp dụng công nghệ nuôi đơn con, nuôi dây, có kích cỡ đồng đều và sạch hơn hàu tự nhiên, nên hàu nuôi được ưa chuộng hơn”, ông Phúc nói.

Nguồn: Laodong.vn