Khan hiếm vật liệu xây dựng, loạt dự án trăm tỉ ở Quảng Nam chậm tiến độ

Loạt công trình trọng điểm tại Quảng Nam đang “đứng bánh” do thiếu nguồn đất đắp nền, chậm tiến độ nhiều năm, khiến nhiều người dân địa phương bày tỏ sự “sốt ruột”.

Loạt cây cầu trăm tỉ thiếu đường dẫn

Đầu tháng 7.2024, ghi nhận của PV Lao Động trên công trường dự án cầu Tam Giang (huyện Núi Thành) đã cơ bản hoàn thiện phần mố cầu, mặt đường, lan can cầu nhưng 2 bên đường dẫn vẫn chưa được khớp nối.

Cầu Tam Giang trễ hạn 6 năm, người dân phải lưu thông trên cầu cũ xuống cấp, nguy hiểm. Ảnh Nguyễn Hoàng

Đây là dự án có tổng kinh phí hơn 151 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 7.2018. Đến nay, dự án đã trễ hạn 6 năm, qua 3 lần gia hạn tiến độ vẫn tiếp tục lỡ hẹn.

Tại huyện Núi Thành còn có dự án cầu Tam Tiến với tổng vốn đầu tư 220 tỉ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2022, nhưng hiện vẫn ngổn ngang.

Tương tự, cầu Tây An 1 và Tây An 2 (thuộc dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, huyện Duy Xuyên) được đầu tư gần 250 tỉ đồng, đã hoàn thiện các hạng mục, nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu đường dẫn lên cầu. Mới đây, huyện Duy Xuyên tiếp tục xin tỉnh gia hạn đến năm 2025 (chậm gần 2 năm so với dự kiến).

Cầu Tây An, Duy Xuyên, Quảng Nam thiếu vật liệu đắp đường dẫn, vật liệu xây dựng phơi nắng mưa, gỉ sét. Ảnh Nguyễn Hoàng

Theo chính quyền các địa phương, nguyên nhân khiến những cây cầu trăm tỉ này “đắp chiếu”, nằm phơi nắng mưa là do tình trạng khan hiếm vật liệu (nguồn đất đắp), giá cả nguyên vật liệu tăng cao và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Trong đó, vấn đề nan giải là nguồn cung đất đắp nền đường dẫn lên cầu.

Ông Nguyễn Thế Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, trong bối cảnh vật liệu xây dựng khan hiếm, huyện đã đề nghị nhà thầu tập trung nhân lực, tìm nguồn đất đắp lân cận ở Quế Sơn, Núi Thành để đảm bảo tiến độ công trình.

Nghịch lý trữ lượng nhiều nhưng vẫn thiếu

Thực tế, Quảng Nam có 9 huyện miền núi nên trữ lượng đất nền không thiếu nhưng các địa phương còn khá chậm trong việc làm các thủ tục pháp lý để cấp phép, khai thác, cộng với tâm lý sợ sai, sợ liên đới trách nhiệm của một số cán bộ, địa phương nên tình trạng khan hiếm đất đắp vẫn chưa được giải quyết.

Cầu Tam Tiến chậm tiến độ

Là địa bàn có 8 điểm khai thác khoáng sản, trong đó có 5 điểm đang hoạt động (gồm 4 điểm đá và 1 điểm đất san lấp, đất sét); 3 điểm tạm dừng khai thác (gồm 2 điểm hết hạn và đang gia hạn, 1 điểm tạm dừng để kiểm tra rà soát hồ sơ) nhưng theo lãnh đạo huyện Quế Sơn, nguồn đất nguyên liệu phục vụ san lấp mặt bằng trên địa bàn huyện hết sức khan hiếm, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công các công trình dự án.

“Giữa tháng 5.2023, UBND huyện Quế Sơn đã đề nghị tỉnh Quảng Nam cho phép khoanh vùng 1 số điểm tổ chức không đấu giá để phục vụ các công trình trọng điểm của huyện, nhưng hơn 1 năm qua tỉnh vẫn chưa có phản hồi” – ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn nói.

Quảng Nam nghiêm cấm chủ mỏ được cấp phép khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán. Ảnh Nguyễn Hoàng

Theo ông Bùi Ngọc Ảnh – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, các chủ đầu tư dự án trên địa bàn thiếu chủ động trong việc tìm các điểm mỏ để phục vụ các công trình xây dựng cơ bản. Đối với các điểm mỏ đã được tỉnh, Sở TNMT phê duyệt, nhưng các địa phương chưa tổ chức đấu thầu, đấu giá đúng quy định.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các Sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo các chủ mỏ của 40 giấy phép khai thác khoáng sản (đất, đá, cát, sỏi lòng sông) còn thời hạn phải khai thác đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp. Nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Nguồn: Laodong.vn