Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với tỉnh Gia Lai giữ lại hơn 4.700 ha rừng tự nhiên ở Ia Mơr để phát triển, bảo vệ biên giới.
Giữ lại 4.757 ha rừng tự nhiên
Sáng 1.8, tại TP.Pleiku, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với chính quyền tỉnh Gia Lai để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Mah Tiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thông tin, dự án thủy nông Ia Mơr (huyện Chư Prông) có vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng, Gia Lai đề xuất phương án giữ rừng, không chuyển mục đích sử dụng 4.757 ha rừng tự nhiên để làm khu tưới.
Liên quan kho nước tưới khổng lồ của hồ Ia Mơr, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có đề nghị xây dựng hệ thống kênh mương để vận chuyển nước từ hồ chứa ở huyện Chư Prông sang phục vụ tưới cho khoảng 3.500 ha đất nông nghiệp đang canh tác tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp (Đắk Lắk).
Theo ông Dương Mah Tiệp, tỉnh Gia Lai trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chủ trương chuyển đổi diện tích cây cao su không hiệu quả sang làm dự án khác với khoảng 16.532ha.
Ông Lê Hồng Linh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Bộ đã thống nhất với các đề nghị của tỉnh Gia Lai, giữ lại 4.757 ha rừng tự nhiên, đảm bảo mục đích phát triển, bảo vệ biên giới.
Đề xuất điều chỉnh, mở rộng khu tưới
Theo ông Lê Hồng Linh, Bộ đã giao cho Ban 8 (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp cùng 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk rà soát đề xuất điều chỉnh, mở rộng khu tưới thuộc dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr.
Khi có kết quả chính thức, Bộ sẽ phối hợp cùng UBND 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh, mở rộng khu tưới của dự án. Trong đó, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kênh trong trung hạn 2026-2030, bảo đảm phát huy mục tiêu, nhiệm vụ dự án đã đề ra.
Với việc chuyển đổi diện tích 16.532 ha cây cao su sang mục đích khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, phải tuân theo quy định của Luật Lâm nghiệp, thực hiện trồng rừng thay thế.
Việc chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch sử dụng đất và điều kiện thực tế tại địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, ngành chức năng tỉnh Gia Lai cần làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục, mục tiêu dự án chuyển đổi hơn 16.000 ha đất cao su sang cây trồng khác.
“Dự án muốn chuyển đổi sang trồng cây gì, nghiên cứu cây trồng nào là phù hợp với thổ nhưỡng, địa chất, khí hậu. Ngành nông nghiệp tỉnh cần làm một hồ sơ thuyết trình đầy đủ với lập luận, chứng lý, hình ảnh, bản đồ minh họa rõ ràng.
Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có cơ sở trình cơ quan có thẩm quyền, Quốc hội, Chính phủ một cách thuyết phục”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói .
Nguồn: Laodong.vn