Kiểm định khí thải xe máy “càng để lâu càng khó”

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, tuy nhiên việc kiểm định khí thải xe máy có thể sẽ chưa thể triển khai từ khoảng thời gian này.

Kiểm định khí thải xe máy "càng để lâu càng khó"
Lộ trình của việc kiểm định khí thải xe máy sẽ thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 42 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ ngày 1.1.2025 chưa thực hiện kiểm định khí thải đối với tất cả xe máy. Việc kiểm định bắt đầu từ thời điểm nào sẽ được thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Lộ trình của việc kiểm định khí thải xe máy sẽ thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường, được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Càng để lâu càng khó

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có khoảng trên 60 triệu môtô, xe gắn máy, chiếm trên 90% lượng phương tiện giao thông.

Còn theo số liệu thống kê của trang bản đồ thế giới – World Atlas, thậm chí còn cho thấy Việt Nam là nước xếp thứ 2 thế giới về tỉ lệ hộ gia đình dùng xe máy (86%), chỉ sau Thái Lan (87%).

Dựa trên kết quả từ chương trình đo kiểm khí thải xe môtô, xe gắn máy tại một số thành phố lớn ở nước ta cho thấy, xe có tuổi đời trên 5 năm sử dụng có xu hướng phát thải vượt giới hạn cho phép hiện nay. Trong đó tại Hà Nội, tỉ lệ xe không đạt TCVN 6438:2018 mức 1 là 54,2% và không đạt mức 2 là 60,65%.

Xe máy là nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Minh Quân
Xe máy là nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Minh Quân

Chia sẻ với Lao Động, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, chúng ta đã xác định được những tác hại, ảnh hưởng của khí thải từ các loại xe môtô, xe gắn máy tới môi trường, sức khỏe con người.

Chưa kể, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện kiểm soát khí thải đối với các loại phương tiện này từ lâu và cho kết quả tích cực. Chính vì vậy, nếu “chúng ta để càng lâu càng khó”.

“Số lượng xe ngày càng tăng thì việc kiểm soát càng khó. Tôi nghĩ chúng ta phải làm ngay. Bài toán đặt ra bây giờ là quy trình kiểm định thế nào, kiểm định ở đâu… Sẽ không có vấn đề gì khó nếu chúng ta quyết tâm làm.”, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải đặc biệt chú ý, làm sao để nâng cao nhận thức cho người dân, để từng người hiểu rõ mục đích, giải pháp và cách làm để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Đồng quan điểm cần phải làm sớm, tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho rằng, làm như thế nào lại là một bài toán khó.

“Phải có điều kiện cần và đủ. Khi thực hiện phải làm sao để không xáo trộn cuộc sống của người dân, không làm mất thời gian, không nhiêu khê, phức tạp vấn đề… thì sẽ được người dân ủng hộ”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: Tô Thế
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: Tô Thế

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chính sách hỗ trợ đối với chủ phương tiện khi xe của họ không đạt tiêu chuẩn kiểm định cũng cần được chú ý.

Cần lộ trình phù hợp

Theo một khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT), trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ôtô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường. Trong đó, phần lớn lượng khói bụi độc hại phát thải ra môi trường không khí của thành phố bắt nguồn từ hàng triệu chiếc xe máy cũ nát đang ngày ngày lưu thông trên đường.

Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… là những nơi tập trung lượng xe máy rất lớn. Theo chuyên gia, những địa phương này cần được ưu tiên thực hiện trước việc kiểm định khí thải.

Tỉ lệ xe máy tại các thành phố lớn đang rất lớn. Ảnh: Nguyễn Huế
Tỉ lệ xe máy tại các thành phố lớn đang rất lớn. Ảnh: Nguyễn Huế

“Ở những vùng núi xa xôi thì tỉ lệ xe vẫn còn ít, phát thải vào môi trường cũng chưa nhiều nên chúng ta có thể giãn tiến độ kiểm soát khí thải tại những vùng này. Tập trung làm tốt ở các thành phố lớn, nơi có lượng phương tiện nhiều thì sau đó việc triển khai ở các vùng khác sẽ dễ dàng hơn.”, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

Theo các chuyên gia, hiện nay hệ thống giao thông công cộng tại các đô thị đang được chú trọng, đầu tư. Khi loại hình giao thông này trở nên tiện lợi và thân thiện với môi trường sẽ là nền tảng để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông và thúc đẩy chuyển dịch từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.

Nguồn: Laodong.vn