Mưa lũ khiến nhiều huyện miền núi Thanh Hóa bị thiệt hại

Thanh Hóa – Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có mưa lũ lớn và gây thiệt hại đáng kể.

Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, những ngày qua mưa lớn diễn ra liên tục trên địa bàn. Tính đến chiều 23.7, mưa lớn đã gây thiệt hại cho một số xã như Phú Sơn, Hiền Chung, Hiền Kiệt và Phú Xuân.

Mưa lũ xảy ra tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Cắt từ Clip
Mưa lũ xảy ra tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Cắt từ Clip

Theo đó, tại bản Ôn, xã Phú Sơn bị sạt lở taluy dương, với khoảng 500m3 đất đá làm sập hoàn toàn khu bếp ăn và trôi vào trong nhà ông Hà Văn Trận; tại bản Vui, xã Phú Xuân bị sạt lở taluy, khoảng 200m3 đất đá vùi lấp hoàn toàn nhà bếp, nứt tường nhà của hộ ông Hà Văn Phia.

Mưa lớn cũng làm sạt lở taluy, với khoảng 100m3 đất đá tràn xuống phía sau nhà văn hóa bản Chiềng Căm, xã Hiền Kiệt dẫn đến hư hỏng, có nguy cơ đổ sập. Còn tại bản Giá, xã Phú Xuân bị sạt lở taluy dương dài 15m, khoảng 3.500m3 đất đá làm ách tắc giao thông. Dọc suối Khiết, xã Hiền Chung, mưa lũ cũng cuốn trôi và làm hư hỏng 16 guồng nước của người dân.

Đáng chú ý, vào trưa 23.7, một trận lũ quét xảy ra tại suối Pu (ở xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa) đã cuốn trôi 2 lều tạm và nhiều diện tích hoa màu, cá nuôi… của người dân.

Trận lũ quét vào trưa 23.7, cuốn trôi 2 lều tạm của người dân ở xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa. Ảnh: Cắt từ clip
Trận lũ quét vào trưa 23.7, cuốn trôi 2 lều tạm của người dân ở xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa. Ảnh: Cắt từ clip

Còn theo UBND huyện Quan Sơn, tính từ ngày 21 đến 23.7, mưa lũ, sạt lở đất đã làm nhà ở, các công trình phụ, tài sản của 3 hộ dân ở các xã Na Mèo, Trung Tiến bị hư hỏng; 5,68ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; gần 1.200m2 diện tích nuôi thủy sản bị cuốn trôi, thiệt hại khoảng 500kg cá; nhiều tuyến đường giao thông liên thôn của các xã Na Mèo, Mường Mìn, Sơn Thủy bị hư hại.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, huyện Quan Hóa và huyện Quan Sơn đã chỉ đạo lực lượng chức năng, địa phương có thiệt hại khẩn trương tập trung lực lượng, phương tiện hỗ trợ hộ bị thiệt hại sớm ổn định đời sống. Huy động máy móc, nhân lực xử lý số lượng đất, đá sạt trượt, đảm bảo giao thông thông suốt, đặt biển cảnh báo tại các nơi nguy hiểm.

Tổ chức sơ tán các hộ dân tại nơi bị sạt lở đất, có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện và chủ động các phương án theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý các tình huống khẩn cấp, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Nguồn: Laodong.vn