Ngày 15.7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho biết, đã ban hành công điện yêu cầu chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn. Nhiều tàu thuyền của ngư dân tại Đà Nẵng cũng đã vào neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Khẩn trương neo đậu thuyền vào cảng
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, từ đêm 14.7 đến ngày 17.7, thành phố Đà Nẵng dự báo xảy ra mưa lớn (quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu phổ biến 70-140mm, có nơi trên 170mm; quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn phổ biến 60-120mm, có nơi trên 150mm, huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ phổ biến 80-150mm, có nơi trên 200mm).
Vì vậy, từ chiều tối 15.7 các ngư dân đã chằng chống, neo đậu ghe, thuyền vào âu thuyền Thọ Quang. Ông Trần Hoàng, ngư dân có tàu neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Thọ Quang đang kiểm tra lại các múi dây, cây chống của thuyền mình.
“Ngay khi có thông tin mưa gió, chúng tôi đã đưa thuyền vào cảng để neo đậu. Sau đó dùng cây gỗ lớn để chống. Thỉnh thoảng tôi phải chạy đi chạy lại để kiểm tra xem có vấn đề gì không”, ông Trần Hoàng chia sẻ.
Ông Hoàng kể, hai tháng trước thuyền của ông Hoàng đã bị đánh dạt vào bờ biển phía ngoài âu thuyền Thọ Quang gây hư hại nặng. Gia đình ông Hoàng phải bỏ ra số tiền vài chục triệu để sửa chữa.
Ngoài ra, ghe của ông Lý, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đã neo đậu tại khu vực gần âu thuyền Thọ Quang để tránh mưa gió. Tuy nhiên ông Lý vẫn phải túc trực và chờ vợ của mình chuyển thức ăn lên thuyền trong những ngày chịu ảnh hưởng bởi mưa gió.
Thực hiện phương châm 4 tại chỗ
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Ban, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đề nghị lực lượng chức năng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết tin thời tiết nguy hiểm chủ động phòng tránh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng chủ động quản lý tàu thuyền ra khơi, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển và những tàu thuyền nhỏ đang hoạt động ven bờ để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết.
Sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, ngập đô thị, lũ quét và sạt lở đất.
Đồng thời lưu ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ ngập lụt, ngập đô thị, sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý các khu vực ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê và các khu vực ngập nước đô thị.
Tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”.
Kiểm tra, triển khai khơi thông của thu nước trên các tuyến đường và tuyến thoát, vận động người dân vùng ngập chủ động kê cao tài sản, khơi thông, cửa thu nước trước nhà, đảm bảo an toàn cho phương tiện đi lại.
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn các hồ chứa, đặc biệt lưu ý hai hồ chứa Hòa Trung và Đồng Nghệ.
Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị thành phố tiếp tục triển khai phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập và hồ chứa nước Nam Mỹ.
Vận hành hồ chứa theo đúng quy trình và phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt, phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn không cho người dân và phương tiện đi lại trong hồ và hạ du tràn xả lũ.
Nguồn: Laodong.vn