Nhiều điểm mới về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở từ 1.7.2024

Ngày 1.7 tới, lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở sẽ ra mắt trên toàn quốc và đây là lực lượng được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có gồm: Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng.

Nhiều điểm mới về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở từ 1.7.2024

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật số 30) được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 28.11.2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024.

Theo quy định tại Điều 3 của luật này, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (ANTTCS) là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Có 4 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTTCS. Trong đó có việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của UBND cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này.

Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTTCS được quy định từ Điều 7 đến Điều 12, gồm 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó có việc hỗ trợ nắm tình hình an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tiêu chuẩn để tham gia lực lượng này gồm người từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã;

Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính;

Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục THCS trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học;

Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được trang bị đầy đủ trang phục, công cụ hỗ trợ. Ảnh: Bộ Công an

Về hỗ trợ, bồi dưỡng, Điều 23 của Luật quy định: Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTTCS được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định;

Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTTCS được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ.

Mức hỗ trợ, bồi dưỡng được quy định như sau: Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân;

Khi làm nhiệm vụ từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do HĐND cấp tỉnh quyết định;

Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do HĐND cấp tỉnh quyết định;

Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ.

Về chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTTCS bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ, Điều 24 quy định:

Người đã tham gia BHXH, BHYT và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật; Người chưa tham gia BHYT mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh;

Người chưa tham gia BHXH mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí;

Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Laodong.vn