Những năm gần đây, ô nhiễm không khí (bụi mịn PM2.5) đang là vấn đề nóng bỏng của nhiều thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, chuyển đổi xanh là con đường tất yếu mà Việt Nam phải thực hiện để phát triển bền vững.
Chính phủ quyết liệt trong việc chuyển đổi xanh, giảm phát thải
Theo số liệu quan trắc những năm gần đây, tại Hà Nội, có tới hơn 30% số ngày trong năm chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu và mức kém. Thành phố lớn nhưng lại bị uy hiếp bởi những hạt bụi mịn PM2.5 nhỏ li ti mang theo đầy chất độc hại với đường kính nhỏ hơn 2.5um, nhỏ hơn 30 lần sợi tóc con người.
Chúng đặc biệt nguy hiểm vì có thể luồn sâu vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi, làm giảm chức năng của phổi, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi, xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. Chính vì vậy, chuyển đổi xanh là con đường tất yếu mà Việt Nam phải đi để bảo vệ con người.
Theo TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, trên thế giới có nhiều thành phố, như Bắc Kinh – Trung Quốc, đã từng là tâm điểm của ô nhiễm không khí, nhưng nhờ những quyết tâm của lãnh đạo các cấp, kể cả cấp cao nhất và những chính sách, chương trình hành động đúng, cộng với sự tham gia của doanh nghiệp, của cộng đồng, chất lượng không khí đã từng bước cải thiện.
“Ngoài các chính sách mạnh tay đối với các cơ sở sản xuất, đáng chú ý nhất là các chính sách giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông: Sử dụng xe chạy điện cho tất cả các dịch vụ bưu điện, giao hàng trong nội thành, các phương tiện thực hiện công tác vệ sinh môi trường, cũng như hệ thống xe buýt và sân bay công cộng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra khí thải các phương tiện giao thông chạy nhiên liệu hóa thạch trên đường. Thắt chặt tiêu chuẩn phát thải đối với xe tải chạy dầu. Tại châu Âu, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua luật cấm bán ôtô chạy bằng xăng và dầu diesel từ năm 2035” – TS Hoàng Dương Tùng cho biết.
Tại Việt Nam, Chính phủ rất quyết tâm Chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải. Tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, Thủ tướng đã ban hành Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Mục tiêu đến năm 2040, tại Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô, môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong nước.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
TP Hà Nội cũng đang rất quyết tâm thực hiện Giao thông xanh. Mới đây Hà Nội dự kiến chi 43.000 tỉ đồng từ nay đến 2030 đầu tư xe buýt xanh. Trong số các kịch bản mà thành phố dự kiến, kịch bản sử dụng 100% xe buýt điện là thể hiện sự quyết tâm nhất, tốt nhất cho môi trường. Bởi thực tế, việc chuyển đổi phương tiện sang dùng khí tự nhiên, tuy sạch hơn, nhưng thực chất chỉ là đổi từ loại nhiên liệu hóa thạch này sang loại nhiên liệu hóa thạch khác.
TPHCM hiện đang triển khai Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành. Theo đó, TPHCM đặt mục tiêu từ năm 2025 trở đi, 100% xe buýt thay thế sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.
Doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh bằng xe điện
Thời gian qua, các doanh nghiệp lớn cũng đã bắt đầu gia nhập “cuộc chơi”, tham gia thực hiện mục tiêu phát thải bằng “0” để bắt kịp với các yêu cầu quốc tế về giảm phát thải. Đồng thời sẵn sàng thực hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí đã và đang trở thành mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe và tương lai của nhân loại, xe điện được cả thế giới đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả nhất giúp làm giảm phát thải CO2 cho một tương lai xanh hơn và bền vững hơn.
Nắm bắt được xu thế, Vingroup – một trong các doanh nghiệp tiên phong nỗ lực trong quá trình chuyển đổi xanh đã quyết tâm đẩy nhanh lộ trình phát triển xe điện và kiên định với lựa chọn này, cho dù đây là một trong những lĩnh vực khó nhất, tốn nhiều nguồn lực nhất và cạnh tranh khốc liệt nhất.
Tại Hà Nội, xuất hiện ngày càng nhiều các phương tiện giao thông chạy điện do VinFast sản xuất, từ xe máy, xe ôtô, xe taxi đến xe buýt. Các tuyến buýt điện do VinBus vận hành cũng là những tuyến buýt điện đầu tiên của khu vực. Điều đó thể hiện sự quyết tâm và quyết liệt của Vingroup, VinFast trong việc phổ cập xe điện nhằm giảm phát thải trong giao thông, góp phần bảo vệ môi trường, giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.
Ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup – cho biết, mong muốn của Tập đoàn là xây dựng càng sớm càng tốt nền móng vững chắc cho một Việt Nam xanh của hiện tại và tương lai, đồng thời đóng góp thiết thực vào mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế.
Ngày 26.6.2024 vừa qua, Vingroup cũng đã phát động chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam – Vì tương lai xanh”.
Theo ông Nguyễn Việt Quang, là một doanh nghiệp khởi xướng, Vingroup cam kết sẽ tiên phong dành những nguồn lực tốt nhất để thúc đẩy toàn xã hội cùng tham gia vào công cuộc chuyển đổi xanh, thông qua các hoạt động thiết thực mà Quỹ Vì tương lai xanh của Tập đoàn Vingroup đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai rất mạnh mẽ; hay những chính sách đặc biệt cho khách hàng đi ôtô điện VinFast.
“Chúng tôi hy vọng ngọn lửa nhiệt huyết từ chương trình Mãnh liệt tinh thần Việt Nam – Vì tương lai xanh sẽ thổi bùng lên trong mỗi người Việt Nam khát vọng và niềm tự hào dân tộc lớn lao, thôi thúc mỗi chúng ta tinh thần đoàn kết và hành động quyết liệt, chung sức chung lòng, cùng nhau kiến tạo nên một Việt Nam xanh và thịnh vượng” – ông Nguyễn Việt Quang khẳng định.
Nguồn: Laodong.vn