Trước khi hy sinh, nhà báo Lê Ái Mỹ (phóng viên Báo Lao Động) đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp báo chí và tổ chức Công đoàn miền Nam.
Xung phong vào miền Nam chiến đấu
Trong phòng truyền thống của Báo Lao Động có chân dung của nhà báo liệt sĩ Lê Ái Mỹ, hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1970.
Theo tư liệu của nhà báo Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, nhà báo Lê Ái Mỹ sinh năm 1936, quê gốc ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định, tập kết ra miền Bắc năm 1954.
Nhà báo Lê Ái Mỹ tốt nghiệp tú tài Tây, giỏi tiếng Pháp, công tác ở cơ quan Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng LĐLĐ Việt Nam); sau, tổ chức điều chuyển ông Lê Ái Mỹ về công tác tại Báo Lao Động.
Năm 1963, do diễn biến tình hình cách mạng, Trung ương có chủ trương cử một số cán bộ cốt cán vào miền Nam xây dựng các cơ quan báo chí và tổ chức phong trào cách mạng, nhà báo Lê Ái Mỹ đã tình nguyện xung phong vào chiến trường miền Nam công tác, chiến đấu.
Ngày 15.2.1963, đoàn cán bộ khởi hành vào Nam. Dọc đường hành quân vô cùng vất vả, gian khổ, thiếu thốn, vượt qua những cung đường rừng hiểm trở, sau 3 tháng, các cán bộ mới đến cơ quan của Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh.
Ngời sáng tấm gương nhà báo cách mạng
Vào đến Trung ương Cục miền Nam, nhà báo Lê Ái Mỹ và các cán bộ sinh hoạt cùng tổ chức với ông Nguyễn Minh Triết (nguyên Chủ tịch nước), thời điểm này đang là Bí thư Đoàn Thanh niên Giải phóng.
Là đảng viên, nhà báo và là cán bộ Công đoàn, Lê Ái Mỹ phải thực hiện nhiệm vụ kép: vừa hoạt động báo chí; vừa hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn và phong trào công nhân.
Nhà báo Lê Ái Mỹ là người có công đầu trong việc tổ chức, xây dựng tờ Báo Lao Động giải phóng. Thời điểm chiến tranh, điều kiện cơ sở vật chất, thông tin liên lạc, sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, gian khổ, Lê Ái Mỹ vừa cầm bút vừa cầm súng theo đúng nghĩa đen.
Nhà báo Lê Ái Mỹ cùng với các đồng nghiệp tăng cường vào miền Nam đều hoạt động đa năng: vừa làm phóng viên, vừa biên tập, xử lý tin bài, tổ chức in ấn, phát hành… Vượt qua những khó khăn, nguy hiểm, thiếu thốn, các tờ báo cách mạng như Lao Động giải phóng, Giải phóng (tiền thân của báo Sài Gòn Giải Phóng), Phụ nữ giải phóng… đã trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng, phản ánh tình hình chiến trường… góp phần làm nên chiến thắng.
Trong vai trò là cán bộ công đoàn, Lê Ái Mỹ đã “3 cùng” với công nhân lao động tại Nhà máy đóng tàu Ba Son, Cảng Sài Gòn và nỗ lực xây dựng thành công tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân tại các cơ sở quan trọng này.
Cuối năm 1967, nhà báo Sơn Tùng rời báo Tiền Phong để vào chiến trường miền Nam thành lập tờ Thanh niên Giải phóng. Tại Trung ương Cục Miền Nam, địa điểm làm việc của tờ Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng cùng các phóng viên lo tổ chức bài vở và trực tiếp tác nghiệp viết bài, nhanh chóng làm quen với nhà báo Lê Ái Mỹ.
Sau này gặp nhà báo Văn Hiền, nhà văn Sơn Tùng thuật lại ấn tượng về đồng nghiệp Lê Ái Mỹ, một trí thức nho nhã, thông minh, tính tình điềm đạm, ít nói, làm việc hết sức chăm chỉ và nghiêm túc, mặc dù sức khỏe hạn chế.
“Đó là một nhà báo kiên cường, có ý chí thép và nhiệt huyết cách mạng sục sôi” – nhà văn Sơn Tùng nhận xét về đồng nghiệp Lê Ái Mỹ.
Vào ngày 15.6.1970, trên đường đi công tác, nhà báo Lê Ái Mỹ bị địch phục kích và đã hy sinh tại 18 thôn vườn trầu (Hóc Môn, TPHCM). Điều đáng tiếc là đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt của ông.
Sau thời gian 15 năm dày công sưu tầm, đến nay, nhà báo Văn Hiền đã có tài liệu về 512 nhà báo liệt sĩ cách mạng đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và đem bài vị về thờ tại chùa Da (Âu Lạc tự) tại xã Hưng Lộc (TP Vinh, Nghệ An), trong đó có nhà báo Lê Ái Mỹ.
“Nhà báo Lê Ái Mỹ là tấm gương sáng về đạo đức, trách nhiệm của những người làm báo cách mạng. Công lao của nhà báo Lê Ái Mỹ, nguyên phóng viên Báo Lao Động và các nhà báo liệt sĩ đối với sự nghiệp báo chí cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc là rất to lớn. Theo tôi, các anh chị xứng đáng với danh hiệu anh hùng cao quý, bất tử với non sông” – nhà báo Văn Hiền khẳng định.
Nguồn: Laodong.vn