Nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc chuyển đổi xanh có một vai trò vô cùng quan trọng.
Đánh giá về vấn đề này tại lễ phát động chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam – Vì tương lai xanh”, do Tập đoàn Vingroup tổ chức cuối tháng 6.2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, để thực hiện cam kết hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực.
Ngày 17.11.2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước đến năm 2030: “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn”.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải”.
Theo lộ trình này, đến năm 2040, Việt Nam sẽ dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô, môtô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
“Giao thông xanh, thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp căn cơ, hiệu quả và mang ý nghĩa thực tiễn đối với Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, khi gánh nặng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, đặc biệt ở nước ta là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đang từng ngày ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của mỗi người dân chúng ta” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Còn PGS.TS Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – nhấn mạnh, phát triển xanh là một sứ mệnh lịch sử – thời đại, là nhiệm vụ có tính toàn cầu. Nó không chỉ có tầm quan trọng to lớn mà còn là mệnh lệnh sống còn đặt ra cho cả thế giới, cho tất cả quốc gia, doanh nghiệp, cho mọi cá thể sống mang danh hiệu “Con người”.
Việc thực hiện sứ mệnh lịch sử đó đang đặt ra như một thách thức gay gắt bậc nhất, đòi hỏi sự đồng lòng, chung sức ở tầm trí tuệ cao nhất, với quyết tâm hành động mạnh mẽ nhất của tất cả chúng ta.
Việt Nam đã có những cam kết chuyển đổi xanh mạnh mẽ với cả thế giới. Mục tiêu “zero carbon 2050” là một trong số đó. Nghĩa là tuy đi sau, chưa thực sự mạnh mẽ, song Việt Nam dám chấp nhận thách thức và hành động. Đặc biệt, Việt Nam coi thách thức đó chính là một cơ hội tầm lịch sử – thời đại, là động lực mạnh để tiến kịp và tiến vượt thế giới.
GS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, để thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần và phải tăng tốc chuyển đổi xanh để đạt mục tiêu. Sự chuyển mình, nếu không đủ mạnh mẽ thì Việt Nam khó hoàn thành cam kết, sẽ rơi vào thế “tụt hậu” và đứng bên lề cuộc đua phát triển.
“Đó cũng là lý do để những doanh nghiệp tiên phong cần được ủng hộ về mọi mặt, đặc biệt là tinh thần chung tay của mỗi người dân. Chúng ta không quên bài học quý báu được đúc kết từ kinh nghiệm Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nền kinh tế khác, rằng sự thần kỳ không tự dưng xuất hiện, mà đó chỉ có thể là kết quả của khát vọng vươn lên và sự đồng lòng của cả dân tộc” – PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Nguồn: Laodong.vn