Đến nay, nhiều mỏ khoáng sản tại Lào Cai đã phải dừng hoạt động do chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý.Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, phần lớn các dự án khai khoáng đều gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý về đất đai. Một số khác thì mất cân đối về tài chính hoặc gặp khó trong việc điều chỉnh công nghệ, xử lý sự cố nên đã phải dừng hoạt động.Có mặt tại mỏ sắt Đông Nam làng Lếch (do Công ty Cổ phần Khai thác, chế biến khoáng sản Lào Cai khai thác), mỏ sắt thứ 2 nằm tại xã Sơn Thủy trong những ngày đầu tháng 8, ghi nhận của PV cho thấy, hiện khu mỏ này đang rơi vào tình trạng hoang lạnh. Quặng khai thác ra chất cao như núi nhưng không bán được.Qua quan sát, dự án hiện vẫn chỉ dừng ở việc bồi thường đất đai cho người dân mà chưa có sự xuất hiện của máy móc hay sự tác động khai thác quặng nào diễn ra. Cây cối của người dân phủ kín núi đồi. Theo tìm hiểu, lý do mỏ khoáng sản chưa thể khai thác vì gặp khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục về đất đai. Con đường dẫn vào mỏ vắng lặng không có bóng xe cộ hay con người, chỉ có một người bảo vệ gác ở cổng vào. Nguyên nhân dừng hoạt động do vướng các thủ tục pháp lý, đất đai.Đối với mỏ Graphit Bảo Hà (huyện Bảo Yên) với trữ lượng khoảng 3,1 triệu tấn, dù đã được cấp phép nhưng Công ty Cổ phần Khoáng sản Sông Đà Lào Cai vẫn chưa có hoạt động khai thác hay sản xuất quặng nào.Còn với mỏ đồng Sin Quyền (huyện Bát Xát, Lào Cai), hiện là mỏ đồng lớn nhất Việt Nam với tổng trữ lượng khoảng 53,5 triệu tấn quặng. Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai - Vimico là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Khoáng sản TKV, với tổng công suất khai thác là 2,5 triệu tấn quặng/năm.Nhưng theo tìm hiểu, hoạt động khai thác khoáng sản tại đây cũng diễn ra cầm chừng, nhiều máy móc hạng nặng trong tình trạng nằm im bất động. Nguyên nhân là do mỏ đang trong quá trình gia hạn giấy phép khai thác và do vướng mặt bằng nên các dự án liên quan đến hạ tầng bãi thải không thể triển khai.Bà Đỗ Thị Minh (xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát) chia sẻ: “Mỏ đồng này hoạt động cũng hơn 20 năm rồi, nhưng hiện nay họ ít khai thác do đang xin giấy phép. Những hộ dân chúng tôi ở đây nằm trong vùng ô nhiễm, thuộc diện quy hoạch, phải di dời để làm nơi đổ thải của mỏ. Tuy nhiên, đã 3 năm nay chúng tôi vẫn chưa thể đi đâu”.Ghi nhận của PV Báo Lao Động tại mỏ sắt Quý Xa, mỏ này vẫn còn trữ lượng khoảng 100 triệu tấn quặng. Đây là một trong những mỏ sắt quy mô lớn và có chất lượng ở khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, khu vực này đang rơi vào tình trạng bỏ không, hoang vắng.Thậm chí, tại khu xuất quặng không có bất kỳ ai trông coi. Đống quặng thô chất cao lâu ngày. Chị Trần Thu Hà (chủ cửa hàng tạp hóa tại xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn) cho biết: “Mỏ sắt Quý Xa này dừng hoạt động cũng được gần 2 năm rồi. Trước kia còn hoạt động khai thác thì cũng tạo được nhiều việc làm cho công nhân địa phương, lương cũng được 8-10 triệu/tháng, tôi cũng bán được hàng. Nhưng giờ nhiều người phải đi làm việc khác để mưu sinh, quán xá ế ẩm”.Vị trí các mỏ khoáng sản chưa hoặc đã dừng hoạt động tại Lào Cai.Máy móc bị bỏ không, tiêu điều, phủ bụi đã lâu tại mỏ sắt Quý Xa do đơn vị này hoạt động không hiệu quả và đã hết hạn giấy phép khai thác.Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lương Văn Điệp - Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy (huyện Văn Bàn) cho biết: “Mỏ sắt Quý Xa dừng hoạt động từ năm 2022, còn mỏ sắt Đông Nam làng Lếch dừng năm 2021. Khi còn hoạt động, những mỏ khoáng sản này cũng đã tạo nhiều việc làm cho người lao động phổ thông của địa phương. Nhưng hiện nay, do đều đã không còn hoạt động sản xuất nên người lao động phải đi tìm việc khác để mưu sinh”.Theo ông Điệp, những mỏ khoáng sản này đóng thuế về trực tiếp cho tỉnh nên xã cũng không quản lý được và không biết nguyên nhân vì sao dừng hoạt động. “Người lao động rất muốn các mỏ này hoạt động trở lại để họ có thể tiếp tục đi làm. Từ đó có nguồn thu nhập mà không phải đi xa tìm việc” - Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy thông tin.Còn riêng đối với các dự án khai thác vàng, được biết, Công ty CP Vàng Lào Cai ở xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai hiện nay cũng đang đóng cửa im lìm. Nguyên nhân là do công ty này nợ thuế Nhà nước và không đảm bảo các quy định về môi trường nên chưa được cấp phép khai thác lại.Tại khu vực mỏ vàng Sa Phìn thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Nhẫn cũng lâm vào tỉnh cảnh tương tự khi phải dừng hoạt động. Vào tháng 5.2024, hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Nhẫn bị trả lại do không đủ điều kiện để thẩm định. Cục Khoáng sản Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện theo ý kiến góp ý tại phiếu kiểm tra hồ sơ. Chính vì thể, mỏ vàng này vẫn đóng cửa cho đến thời điểm hiện tại.Nguồn: Laodong.vn